>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
Chương 24 - Món quà từ ký ức
Vĩ thanh
Chương 24 - Món quà từ ký ức
Thêm một lần nữa. Trận nóng cuối cùng, nhưng lại là cao điểm nhất, hệt như dấu chấm than đỏ chói tiễn biệt tháng sáu.
Một mùa hè xuất sắc - người ta bảo như vậy – quán quân về nhiệt độ trong suốt ba mươi sáu năm qua.
Không ai ra ngoài. Một im lặng kinh người bao trùm thành phố. Riêng Thức gần như nằm một chỗ cả ngày. Cậu nghĩ về những chuyến đi đã qua, những hành trình sắp tới. Thỉnh thoảng một ý tưởng hay ho bật sáng trong đầu làm Thức vùng dậy. Nhưng chợt nhớ đến cái khí quyển như lò luyện công nghiệp nặng bên ngoài ô cửa sổ kia, cậu lại xìu xuống như bóng bay châm kim.
Thức đọc lại cuốn tiểu thuyết về thám tử Lê Phong – quyển sách mà cậu đã thuộc đến từng dòng. Và lại càng củng cố niềm tin rằng những chuyện ly kỳ chỉ có thể xảy ra trong sách. Còn cuộc sống ngoài đời bao giờ cũng là chuỗi sự kiện hết sức lộn xộn, mọi điều bí ẩn nếu có chẳng qua chỉ đến từ những bọn hay đồn đoán thêu dệt và những kẻ thích lầm lì cô độc, giấu giếm những việc mà họ đang làm.
Túi quà của Lê Dương gửi tặng Thu Hà vẫn còn nằm đó chờ đợi chủ nhân đến nhận. Chủ nhân đã biệt tăm mà chưa một lần Thức gặp gỡ. Một người phụ nữ xinh đẹp vừa đánh đổi tất cả cho niềm đam mê văn chương cao quý. Hay một người phụ nữ hồi xuân, giàu lên bất chợt, vì không thoát được dục vọng nên phá bỏ cả hạnh phúc gia đình? Chỉ là hai cách diễn đạt, dùng từ, còn cốt lõi nội dung như nhau cả.
Ngoại hình người đàn bà đó thế nào: đó là tò mò lớn nhất và duy nhất của Thức về câu chuyện Quyên. Còn đâu, mọi thứ khác đã khép lại như cặp mi uể oải trong đêm hè.
*
Nhưng rồi người phụ nữ ấy cũng quay trở lại. Một ngày đầu tháng bảy, địa chỉ Email của Thu Hà bật sáng và chỉ hai ngày sau cô đáp xuống văn phòng Cú Vọ. Đáp xuống, có lẽ là nói theo nghĩa đen. Vì trong bộ trang phục trắng toát và mỏng manh, mái tóc buông xõa, cô như thể đến từ một trận gió chứ không phải từ tầng trệt. Thức nhìn cánh tay để trần nhễ nhại, không tin nổi khi Thu Hà chỉ kém mẹ cậu ngót 5 tuổi.
Cô tặng mỗi người bạn một món quà lưu niệm từ các chuyến đi Đông Nam Á cùng với một nhóm nhiếp ảnh. Được ưu tiên nhất là Hải Đường với một tấm lụa Batik, thiệt nhất là Khanh Stein vì không có mặt ở văn phòng lúc đó.
"Tôi vừa gửi đăng được một truyện ngắn." – Thu Hà rạng rỡ - "Chính từ chuyến lang bạt này".
"Chúc mừng chị." – Thức cao giọng – "Thành công chỉ dành cho người không ngừng theo đuổi. Em có thể hiểu món quà này là khao được không ạ?"
"Tuy thế tôi không hài lòng lắm. Nó cứ du dương như một bài thánh ca, không có những khúc khuỷu mà tôi mong ước".
"Miễn là chị cảm thấy nó ngang bằng hoặc hơn so với những tác phẩm đăng trên Quyên".
"Không bao giờ. Tôi biết những giới hạn. Thiếu tuổi đời là một giới hạn. Không còn trẻ cũng lại là một giới hạn nữa".
Rồi Thu Hà nhìn Thức đầy ẩn ý: "Tôi nghe nói chồng tôi đã tìm gặp các bạn và kể tất cả mọi chuyện rồi phải không?".
"Không đâu ạ. Chỉ là một phần thôi" – Thức giơ ngón tay trỏ.
"Tôi biết. Chồng tôi lúc nào cũng giả vờ im lặng như một kẻ thu thập hồ sơ, cho đến khi... Mà thôi, tôi trở về Việt Nam là để hoàn thành thủ tục ly hôn. Những chuyện đó sẽ nằm lại quá khứ".
"Em nói một phần không phải là nói chơi đâu ạ." – Thức mỉm cười tự tin – "Rõ ràng là nếu chị vẫn giữ những truyện ngắn từ ngày xưa viết, để gửi lại cho Cú Vọ. Thì việc gì chị phhải đi kiếm tìm tạp chí Quyên, nếu không phải là sưu tầm?"
"Rất đơn giản." - Hải Đường nói, hết quay sang Thức rồi quay sang Thu Hà – "Vì chị ấy muốn sở hữu những ấn phẩm từ truyện của mình, chứ không phải chỉ là bản viết. Đúng không chị?".
"Nhưng Trần Vũ nói rằng chính chị ấy đã hủy tất cả" – Thức phản biện.
"Chính xác." – Thu Hà xác nhận bằng một nét buồn hiện trên khuôn mặt quyên tú, làm người ta có cảm giác cô có thể đạt được trạng thái này rất nhanh, bất kỳ lúc nào – "Tôi đã hủy tất cả từ cách đây rất lâu. Mọi thứ tôi viết, mọi sổ tay và mọi cuốn Quyên. Còn những gì các bạn đang thấy là tác phẩm viết lại thôi."
"Viết lại?" – Hải Đường và Thức đồng thanh.
"Đúng ra phải dùng từ làm lại. Tôi đã đặt bút làm lại các tác phẩm của mình dựa trên ý tưởng cũ..."
Thu Hà nhớ lại những năm 2010. Tóc xoăn, xoăn thật xoăn, từng lọn như những thỏi lò xo đồ chơi rung rinh rung rinh, xếp lớp trên mái đầu trung niên. Gò má gầy thật gầy, những tàn nhang cùng khắp. Nói chung, nhìn vào những đường nét cụ thể có thể khắc họa bằng bút vẽ hoặc ngôn từ, rất khó để nhận ra lớp trưởng Minh Phương đầy bản lĩnh của ngày nào. Chỉ có những yếu tố thuộc về thần thái, về linh hồn, những thứ chỉ có thể thấy được trong một khung hình xoẹt qua, thì vẫn là Minh Phương đó, không bao giờ mất đi. Và cũng chỉ có Thu Hà mới biết được. Còn Minh Phương thì tự nhận: "Ừ, chục năm chứ mấy, tao khác quá mày ơi".
"Mày khác từ cách đây mười lăm đến hai mươi năm. Mày luôn khác mà mày không bao giờ biết." – Thu Hà giễu cợt.
"Hồi đó khác là khác theo cách tao muốn." – Minh Phương nhún vai – "Còn bây giờ, tao biến đổi trong cái áo đời khoác cho, cái lốt dính chặt vào da thịt".
"Giờ tao thấy mày khác rồi. Minh Phương đâu có ăn nói thiếu tự tin như thế".
"Ồ, chẳng bao giờ. Với tao đời vẫn vui, vẫn chẳng có chuyện gì đâu. Có mỗi cái này thôi: nhiều năm ở Sài Gòn, tao theo ngành luật và đã lấy một anh chồng của hội nhà văn Thành phố, y như tao mơ ước. Thế nhưng chính hai thứ đó lại chùm chăn lên đầu tao. Tao ngỡ sẽ được tham gia một vụ án gian lận tài chính nào đấy, một vụ vu oan giá họa hoàn hảo nào đấy. Nhưng suốt ngày, mày ơi, toàn chỉ là tụi trẻ bỏ nhau và chuyện lấn đất hai mươi centimet. Vâng, chẳng có chuyện gì đâu, theo một nghĩa hoàn toàn khác. Giờ đây tao nhìn mọi sự nhẹ như lông ngỗng. Những vành móng ngựa, những còng khóa, những đơn từ khiếu nại thân thiết như những người bạn nhỏ nhoi. Những khai báo, tường trình... đấy là văn chương của đời tao. Thứ văn ngày xưa của tao thì chuyển qua cho chồng. Chồng của tao thì văn thơ, rượu, nhạc bolero... tối ngày, chẳng hôm nào không về trong tình trạng hơi thở nồng nặc mùi của các hội văn học nghệ thuật địa phương".
Nhìn sắc diện bợt đi vì lo toan đời thường của Minh Phương, Thu Hà hiêu rằng đã có một khoảnh khắc lớn lao giữa hai người. Mười lăm tuổi, khi Thu Hà còn ngồi yên trong tuổi nhỏ, Minh Phương đã bước sang thế giới của người lớn, với yêu đương và sự quan tâm đặc biệt đến các biến cố gia đình. Khi những biến cố đó đẩy Phương vào Sài Gòn, giữa khoảng im lặng của những thư từ gửi đi không hồi đáp, Thu Hà đã mất ngần ấy năm thêu vẽ Minh Phương trong những mường tượng cao vời của cô. Và bấy lâu, cô đinh ninh rằng tóc ngắn năm xưa giờ đã chạm được gót chân đến nhiều vùng xa lạ của cõi nhân gian bí hiểm.
Nhưng không. Chỉ còn một ảo não, một thở than mà Minh Phương duy trì từ đầu đến cuối buổi. Lẽ ra đã không còn gì để nhớ, nếu đột nhiên Minh Phương không hỏi: "Mày còn viết lách gì không?"
"Tao bỏ hết rồi".
"Sao thế? Mày có tài năng đấy".
"Sao mày biết?" – Thu Hà cười gượng.
"Tao có đọc cái tạp chí mà mày gửi hồi năm đó" – Minh Phương nhìn người bạn – "Sao mày không tiếp tục? Cuộc sống ngắn ngủi, chẳng được bấy nhiêu đâu. Tao sợ rồi mấy nữa nhìn lại, thời thanh xuân sung sức chỉ toàn phép chia và phép trừ".
"Tao đã chọn sống yên bình, êm ả ở Cần Thơ. Hoàn toàn vui vẻ hạnh phúc".
"Mắt mày có nói thế đâu..." – Minh Phương cúi thấp mặt – "Ngay từ ngày bé tí, tao biết thừa là mày sẽ không bao giờ chịu sống bình thường. Rồi đến một mốc nào đó, mày sẽ thay đổi, nhanh chóng thôi. Những bọn có cái kiểu buồn bã, u hoài vô căn cứ thường là bọn ôm bom nổ chậm. Trên tòa, có ngày nào là tao không gặp đâu".
Một lần nữa, Minh Phương dẫu là văn sỹ chết non nhưng lại là nhà tiên tri đại tài. Thu Hà trở lại viết nhật ký. Cô tâm sự với giấy trắng mọi điều, cô ngúng nguẩy kêu khóc bằng sự giúp đỡ của bút bi Thiên Long và giấy kẻ ngang Hồng Hà. Rằng thì là cô trống trải, cô đơn trong căn nhà rộng, kèm theo cửa hàng cá cảnh ngoài mặt tiền, như một chấn song đóng khép đời mình lại. Rằng thì là đời cô chỉ là một chấp thuận, một gật đầu; chồng cô thì ngoài chuyện doanh số, ngày càng im lặng và khuyên người khác nên im lặng. Viết xong rồi hủy.
Một khoảnh khắc trong bóng tối thật sâu, Thu Hà đặt một trong những câu hỏi quan trọng nhất: đời mình có gì để viết lại? Trước khi trả lời rằng không có gì, cô nhớ đến những Xa hiên nhỏ, những Còn tuổi dại mà cô đã trứ tác thời con gái... Cái quãng đời mà cô đã sống dù không có lấy một biến động, nhưng lại đầy sinh khí, đầy nhạc và hoa.
Bằng ký ức cũ, Thu Hà đặt bút viết lại những truyện ngắn của mình. Nhưng càng tiến vào khoảng trống mênh mông của giấy trắng, cô càng cảm thấy kiệt sức, bất lực. Như một bài thơ không nhớ lời, những câu chữ lộn xộn chắp vá đan xen giữa những đoạn ngắn ngủi mà cô thăng hoa thực sự. Hiên nhỏ đã quá xa. Tuổi dại cũng chẳng còn. Mất đến hơn một năm, cô mới cho ra đời được vài dị bản còm cõi. Chuyện đó xảy ra trước khi Thu Hà được tiếp thu một lượng tài sản lớn từ ông chú ruột giang hồ.
"Có tiền, tôi gia nhập một câu lạc bộ viết của những người khá giả. Nhưng chỉ hai năm là bỏ. Ở trong đó, người ta ấn vào mắt tôi đủ các thứ tạp luận, trào phúng nào là mang theo hơi thở thời đại, rồi là soi vào góc tối xã hội. Họ đã có tiền tài danh vọng, họ lại còn đòi được ngồi vào vị trí của Emile Zola hay sao? Nhưng đáng buồn bã hơn cả, là chính tôi ít nhiều cũng là một phần của đám người đó. Bằng một nhạy cảm tự nhiên mà không hiểu sao tôi có được, tôi đoán rằng mình chỉ còn có thể viết ra vài ba thứ lăng nhăng hú họa, không bao giờ kể được điều gì mới nữa. Không bao giờ giống như năm mười bảy tuổi được nữa." – Thu Hà hạ giọng – "Cuộc sống có thú vị hay không còn là số phận riêng của từng người. Tôi biết tôi đã được tiền tài. Người ta chỉ được có một thứ thôi và tôi muốn quy đổi. Các bạn hiểu không? Tôi muốn quy đổi ngang giá nó với những may mắn theo kiểu khác, đó là từ bỏ, ra đi và tìm kiếm Quyên".
"Chính số tiền ấy đã mang lại biến cố thú vị đó thôi chị." – Hùng Panô mê mỏi nhìn ngắm người đàn bà nãy giờ, lúc này mới lên tiếng.
"Đúng vậy, và việc còn lại của tôi là thúc đẩy nó."
"Chị nhất quyết phải làm việc ấy sao?" – Hải Đường cắn môi – "Chuyện chia tay anh Trần Vũ ấy".
"Tiền không phải chuyện cốt lõi. Có tiền hay không, tôi e rằng mình vẫn làm như thế..." – Thu Hà cụp mắt – "Tôi không có con."
Tiết lộ làm Hải Đường và Hùng Panô ngỡ ngàng. Chỉ có Thức là giữ được vẻ điềm nhiên.
"Chúng tôi không thể có một đứa con dù đã thử mọi cách. Với Trần Vũ đó là một bất hạnh..." – Thu Hà quay đi chỗ khác – "Nhưng Trần Vũ còn có thể dồn tình cảm vào bầy cá cảnh. Còn tôi, một người không bao giờ có cơ hội đi sắm một cái nôi hay đóng tiền tiêm chủng, hãy nghĩ thử xem..."
"Em hiểu rồi..." – Hải Đường không biết nói gì thêm. Trong đầu cô thoáng nghĩ về bà chị gái.
"Nhưng từ chuyện đó tôi nhận ra, các bạn ạ, trong tôi có một mạnh mẽ mà chính tôi cũng phải bất ngờ. Đúng là tạo hóa luôn tìm cách cân bằng mọi sự, theo nguyên lý của cái bập bênh. Bỏ qua những thương hại từ những người thân quen, tuy nó cũng chọc vào tim tôi hằng ngày, tôi nói cho các bạn nghe: những người thân quen cũng làm chúng ta tổn thương không kém người lạ. Chỉ cách thức và biên độ là khác nhau. Nhưng không có con, bù lại, chúng tôi có ngày rộng tháng dài. Rộng dài đến kinh hoảng vì chúng tôi mất đi một mục đích sống. Không có con, tôi không có cơ hội để sống cuộc đời thứ hai. Nói theo nghĩa tích cực, tôi bị và được sống trọn vẹn đến cuối đời. Rồi khi ông chú, người thân cuối cùng của tôi mất đi, tôi phát hiện ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể tự tay điền vào các khoảng trống trong đời mình, dù nó có lớn đến bao nhiêu. Tôi không có một đứa con xương thịt nhưng có những đứa con tinh thần là các tác phẩm của mình ngày trước. Không thể nào có một cơ hội tốt hơn nữa để tìm lại chúng. Tôi có tiền và thời gian, nhiều đến vô tận. Tôi đủ điều kiện và tư cách để hiểu về lẽ vô thường hơn bất cứ ai hết..."
Không nhiều đến thế đâu. Chớp mắt một cái một tiết xuân, một mùa hè đã trôi đi và hơn một nghìn USD đã tiêu mất. Thức lẩm nhẩm.
"Cậu nói gì thế?" – Thu Hà lạ lùng nhìn Thức bằng đôi mắt biếc.
"Em nói là..." – Thức lấy lại vẻ bình tĩnh – "Thực ra anh Trần Vũ và chị có một đứa con đấy".
"Cậu bảo sao cơ?" – Không chỉ Thu Hà mà những ánh mắt khác cũng đổ về phía 'thám tử Lê Phong'.
"Anh chị có một đứa con." – Thức lặp lại – "Chính đứa con tinh thần mà chị nói ấy: tất cả những tác phẩm của chị trên tạp chí Quyên đều là đứa con chung của hai người".
"Tôi không hiểu?" – Thu Hà bối rối.
"Quyên không nhận bài cộng tác. Chính Trần Vũ, người biên tập mảng văn học năm đó đã đề xuất in các truyện ngắn của chị. Và cũng là anh ấy cắt gọt, chỉnh sửa những câu chuyện dài lê thê của chị để vừa gọn với dung lượng của số báo." – Thức điềm đạm nói.
"Làm sao cậu biết được những chuyện đó? Bởi vì chính tôi..."
Thức ngắt lời: "Dễ thôi ạ. Chị cứ hỏi chú Lê Dương, một trong những người đứng đầu của Quyên thì biết. Bản thảo của chị có hơn ba nghìn chữ, nhưng khi đăng lên nó ọn gàng với hai ngàn năm trăm chữ và chia đoạn tương đối rõ ràng. Không thể nói không có bàn tay của anh Vũ".
"Sao anh ấy không nói gì với tôi?"
"Chằng phải chị nói rằng anh ấy lúc nào cũng giả vờ im lặng đấy thôi..." – Thức cười nham hiểm.
Thu Hà thở dài, bây giờ trông cô mới trở lại đúng cái tuổi ba mươi bảy của mình.
"Cậu đừng có động viên tôi." – Thu Hà nói – "Chẳng có gì thay đổi được nữa đâu".
"Thay đổi chỉ xảy ra khi người ta không trông đợi." – Thức triết lý.
Im lặng một hồi.
"Vậy Quyên của tôi đâu?" – Thu Hà nhìn xoáy vào trán Thức.
Hùng Panô chột dạ: "Chị ơi, trong email tụi em đã nói rõ là tụi em không tìm thấy..."
Thu Hà thay đôi sắc mặt: "Trong Email các bạn nói rằng đã tìm thấy cho tôi mà".
Hải Đường ngờ vực nhìn Thức: "Cậu soạn email đúng không hay Mai Hạnh?"
"Đừng sốt sắng như thế" – Thức giơ hai bàn tay – "Tụi em đã tìm được cho chị điều chị cần. Nó ở ngay đây".
Túi quà thơm phức của Lê Dương được đưa ra trước khuôn mặt còn nhiều băn khoăn của Thu Hà. Cô dợm mở chúng ra xem thì Thức đã ngăn lại.
"Em nghĩ rằng chị nên xem chúng khi chỉ có một mình. Vì sự tôn trọng đối với người đã gửi tặng".
Khi Thu Hà chào những người bạn ra về, bầu trời đã đổ màu đen sẫm. Bây giờ ta mới thấy cô đi trên mặt đất.
Một trận mưa có lẽ sẽ dâng lụt làm dịu những cơn bỏng của thành phố.
Hùng Panô khều Thức: "Ông lại lừa bà ấy à?"
"Lừa gì đâu.." – Hải Đường trả lời hộ Thức – "Đó đúng là Quyên, nhưng ở dạng đĩa mềm DVD mà thôi".
"Nhầm rồi người đẹp ạ." – Thức gõ ngón tay vào trán, cười tủm tỉm – "Còn hơn cả DVD đấy".
"Mà cậu cũng an ủi phụ nữ giỏi đấy. Phịa được cả chuyện đứa con chung với chả đứa con riêng, nghe ra mà não tình..."
Thức nguýt cô bạn: "Không có chuyện phịa ở đây nhé".
"Vậy làm sao cậu biết được?"
"Đã nói là thám tử không bao giờ để vụ án trôi tuột như thế đâu. Các vị không để ý à? Chú Lê Dương kể rằng người biên tập của nhóm Khải Ninh đã trực tiếp nhận và sử dụng tác phẩm của Thu Hà. Còn nhớ danh sách nhóm Khải Ninh không? Người biên tập này chính là Trần Vũ." – Thức trầm ngâm – "Không ngoại trừ việc chính các tác phẩm này đã mang Trần Vũ và Thu Hà đến với nhau..."
"Thế còn chuyện biên tập, cắt cúp?" – Câu hỏi của Hùng Panô.
Thức đi hai bước dài rồi thả mình xuống chiếc salon bạc: "Cái này khó nói lắm. Nhưng tôi chắc chắn vì tôi đã so sánh trực tiếp bản in và bản thảo viết tay mà Thu Hà gửi cho Quyên hai mươi năm về trước..."
"Bản thảo viết tay? Bản thảo ở đâu cơ?"...
***
Mưa nhòe kính cửa gợi những liên tưởng xa xăm u buồn. Chiếc xe đi về ngoại ô xa. Những chùm sáng cuối ngày dội qua ô kính, tạo nên những vạt sáng nối nhau lung lay trên cánh tay trần người phụ nữ.
Người phụ nữ mở hộp quà. Bìa số một của Quyên hiện ra loang loáng dưới ánh vàng kim sáng lòa của mặt trong hộp giấy. Nhưng không phải bìa của sách in, mà là bìa đĩa DVD. Một chiếc túi da sần sùi, mát rượi, gói bên trong những tấm plastic mờ đục. Bên trong ấy, tựa như những lá thư tay của một thời đã khuất xa, những tấm giấy kẻ ô màu vàng đục đã ố vàng vài phần. Những gì được viết ra bởi mực bút máy đã lạt phai chỉ còn lại màu xanh lơ như được in chìm chứ không phải viết tay. Vẫn còn rõ chữ những dòng đầu:
XA HIÊN NHỎ
Truyện ngắn
Tặng Phương
Sài Gòn có gì? Sài Gòn xa lắm phải không?...
Những dòng còn lại bỗng nhiên nhòe dần nhòe dần, như thể được nhìn qua ô kính cửa, không biết do dấu ấn của thời gian hay do đôi mắt ướt của người phụ nữ...
Thu Hà không nhắn lại một lời nào kể từ ngày rời đi. Nhưng thay cho lời cảm ơn, một phong bì được gửi đến văn phòng Cú Vọ với một nghìn sáu trăm đô la bên trong. Thậm chí phong bì ấy cũng không ghi bất cứ điều gì ngoài chữ ký người gửi. Dường như Thu Hà không muốn công nhận rằng mình đã tặng quà cho bất cứ ai khác ngoài Minh Phương. "Nội dung bên trong mới là quan trọng. Điều này đủ cho thấy chị ấy vô cùng cảm kích" – Thức gật gù trước khi hỏi Hùng Panô về cách chia phần.
Hải Đường là người đầu tiên từ chối món tiền. Tuy nhiên sau đó cô đề nghị trích một phần ra để làm tiệc chia tay tuổi độc thân. Một bữa tiệc ngọt đến tận óc được tạo thành từ cách loại bánh mứt hảo hạng ở quán cafe Những Đứa Con Của Cá Mập. Hải Đường và Dế Mèn đều rất hài lòng. Còn lại, rốt cục thì mấy chàng trai kia phải đi nhậu riêng một tăng nữa. Khanh Stein và Mai Hạnh đã cạn chén cùng nhau. Hóa ra Mai Hạnh lúc say sưa còn nói nhiều hơn cả Thức. Còn Khanh, đêm đó Hùng Panô phải vác cậu lên taxi.
Mai Hạnh là người thứ hai khăng khăng từ chối món tiền. Tuy nhiên Hùng Panô đã tặng lại cậu ta chiếc máy ảnh loại full-frame của hãng Sony. "Kỹ thuật dùng không nhớ được bằng phương pháp gạch ý đầu dòng được đâu" – Hùng dặn – "Cậu phải nghịch ngợm thật nhiều vào. Quên chuyện nhiếp ảnh đốt cháy giai đoạn đi".
Số tiền còn lại chia đều cho Khanh Stein, Thức và Hùng Panô. Khanh Stein hào hứng nói về công việc mới của mình ở một bảo tàng. Nhưng chỉ một tháng sau đó cậu chàng than thở rằng cô đơn ở cái cơ quan đó, bởi không ai muốn chơi với một người không có mối quan hệ gia đình nào trong bộ máy. Hùng Panô khuyên cậu "Cuộc sống là thế mà, niềm tin đã thấp, lương còn thấp hơn. Chỉ có cách là nhẫn nại và cố gắng để con cái sau này có được điều đó". Còn Thức chỉ lẳng lặng kéo Khanh đi cắt tóc, săm hình và lựa chọn cho cậu bạn một gu thời trang mang tính gây gổ hơn. "Đây không phải là cái áo! Đây là chuyện của sức sống!" – Thức vỗ vai 'nhà khoa học' và nói. Nhưng không như quảng cáo, trông Khanh hóa ra lại yếu ớt đi hẳn trong cái vẻ ngoài hiện đại.
Hùng Panô là thành công hơn cả. Sau sự kiện Nét Xưa của Boundaries Space, anh được đăng một bài báo về tạp chí Quyên và theo lời giới thiệu của Mộc Miên, được nhận vào một chuyên san mới mở của báo Hà Nội Phố về nhiếp ảnh và truyền thông. Ở đây, anh lấy bút danh Cú Vọ. Điều làm Hùng phiền lòng nhất là phải chia tay với những chậu cây yêu quý: mụ Hoa béo đã phát hiện anh trồng cần sa trong nhà. Mụ quyết định chấm dứt hợp đồng thuê nhà và buộc Hùng phải chuyển đi nơi khác. Ở đây, Hùng trồng được một số cây sen đá do Lê Dương tặng. Sau rất nhiều sai lầm vì không để lỗ thoát nước khiến chúng đồng loạt ra đi, cuối cùng Hùng đã có một khu vườn mini của riêng mình. Và anh đã quên luôn những chậu cần sa xinh xắn ngày trước. Giá như tình yêu cũng có thể thay thế được giống như bọn thảo mộc! Hùng Panô biết rằng rất khó để làm điều đó, bởi trong những vui vẻ hiếm hoi trên trường đời, anh chỉ muốn chia sẻ với một người duy nhất.
Sài Gòn thú vị lắm. Ai cũng bảo như vậy. Cuối tháng tám năm 2016, Mai Hạnh lên đường. Mọi người tiễn cậu ở phi trường, một ngày gió mát nhè nhẹ mang theo một mùi hương mà không chỉ cảm nhận được nếu chỉ dùng khứu giác: hương thu Hà Nội. Những người tiễn chân cậu có Cú Vọ, La Lan và cả Thu Hà.
"Cái gì đấy?" – Mai Hạnh hỏi khi thấy hộp quà to tướng của Thức.
"Áo Chicagô! Cho cậu." – Thức nháy mắt.
"Tớ e là thời tiết trong đó không dùng đến áo này đâu..." – Mai Hạnh vừa cảm kích vừa buồn cười -"Bây giờ hai đầu nam bắc không xa như ngày trước. Tớ sẽ về thường xuyên".
"Trong Sài Gòn, ẻo lả như cậu cũng có đất dụng võ chứ đừng nói cái áo đã từng là mốt của nó." – Thức quả quyết.
Món quà Mai Hạnh tặng Hải Đường là bức ảnh chân dung của cô chụp dưới lồng đèn của quán Những Đứa Con Của Cá Mập, một trong những khoảnh khắc đẹp nhất khi ánh sáng và bóng tối thay nhau luân chuyển dưới vầng trán của cô.
"Chúng ta sẽ làm thông gia nhé." – Mai Hạnh nhìn cô bạn.
"Tớ tưởng cậu nhận lời với La Lan rồi!" – Hải Đường nhún vai.
"Nếu có diễm phúc, tớ muốn cưới La Lan hơn." – Mai Hạnh cười.
"Lấy ai thì lấy. Nhưng tớ không có cái hân hạnh làm bà xui của em Tưởng Như đâu..." – Hải Đường liếm môi.
"Cái tên gợi ra sự sai lầm." – Mai Hạnh thở dài.
Thu Hà trong lúc mọi người không để ý, thì thầm với cậu em: "Con bé sắp lên xe hoa, đừng tặng nó mấy món quà lãng mạn như thế. Không lại giống tôi đấy!"
Nhưng Hải Đường nghe thấy lời đó. Cô nói: "Chính chị đã nói với em rằng đừng để những đam mê của mình chết trẻ, hoặc chết già... Ngay cả khi có gia đình".
"Cô lại đọc truyện của tôi đúng không?"
"Chúng em đều mê truyện của chị. Chúng kéo tụi em ra khỏi những bùng nhùng trên mạng Internet." – Mai Hạnh giọng hồn hậu.
"Tôi biết là tôi không bao giờ có thể viết được như ngày trẻ tuổi".
"Chị tiếp tục viết đi. Em sẽ ghé Cần Thơ chơi với chị. Thăm hiên nhỏ của chị." – Mai Hạnh nói. Trong đôi mắt cậu thoáng hiện ánh nhìn của Minh Phương buổi phi trường năm nào.
"Được, nếu có ý định, hãy gọi trước cho chồng tôi!" – Thu Hà so vai.
"Sài Gòn sẽ làm cậu dạn dĩ lên." – La Lan nói với Hạnh – "Bây giờ cậu lên lưng cá mập rồi đấy. Chiến đấu nhé".
Mai Hạnh xúc động đặt tay lên trán cô bạn, nghe tiếng thì thầm: "Đã đi đừng trở về. Tớ sẽ vào thăm cậu".
Và những cái đấm tay giữa những người đàn ông.
Tạm biệt các thiên thần sa ngã – Mai Hạnh ngoái lại trước khi mất hút vào đám đông xanh đỏ - Tạm biệt Hà Nội, bạn bè và kỷ niệm.
***
Quần kaki và áo trắng sơ vin làm Thức khó khăn trong việc di chuyển. Cậu dừng chân giữa sân trường, nhìn quanh những bầy người mê man đi lại. Phía xa, chân trời màu trắng đục như nước gạo, dãy nhà phía đông sau một mùa hè đã được sơn phết lại màu xanh lá cây. Hôm nay sẽ bình thường hóa quan hệ với Bệnh viện Stonehearst, nhưng còn phải xem thái độ của chúng đã – cậu thầm nghĩ. Thức lôi bao Mond trong túi áo, châm thêm một điếu - bây giờ thì là hàng thật bởi nó được chính tay Thu Hà gửi tặng. Một tờ giấy nhỏ bị lãng quên rơi ra theo bao thuốc. Thức mở ra xem: chân dung bằng bút chì một cô gái mong manh, tóc xõa bay, đôi mắt đượm buồn.
Lễ thành hôn của nàng sẽ diễn ra vào ngày mai.
Cậu chậc lưỡi, gập tư bức họa rồi cẩn thận nhét vào trong ví. Đoạn dấn bước.
HẾT
2016 (Đức Anh)
>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
Nhận xét
Đăng nhận xét