Chuyển đến nội dung chính

[xa hiên nhỏ] chương 14 - cô gái dưới mưa khuya


>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)

Tất cả những người cần hỏi, Hùng Panô đã hỏi rồi. Nói là "những" nhưng thực ra chỉ có một mình Dũng Khải Ninh. Và gã này, duy trì một cách tự mãn cái cung cách cố tình bí hiểm, chỉ khạc ra được vài câu rồi cúp máy, rằng là chuyên môn của hắn quan tâm đến kẻ nào đánh cắp chữ trong sách, chứ không quan tâm đến kẻ ăn cắp cả cuốn sách. Người thứ hai có thể nghĩ đến là Thu Hà. Trong trường hợp này, nhóm Cú Vọ phân vân giữa hai cách nhìn Thu Hà như một người chi tiền ra thuê người và Thu Hà như nguồn gốc của những chuyện rắc rối khó hiểu đã dẫn đến một vụ cướp giật. Theo cách thứ nhất không khả quan: Thu Hà là nạn nhân trực tiếp của vụ việc. Nhưng cách nhìn thứ hai lại đi đến một tình huống khó xử. Dù sao thì khi Hùng bấm nút call, số máy của người đàn bà cũng không liên lạc được. Chi tiết này không hề liên quan đến vụ cướp (hoặc liên quan ở mức độ thượng tầng hơn), bởi lẽ mỗi lần liên lạc với Hùng Panô, Thu Hà dùng một số điện thoại khác nhau.

Tối hôm sau, tại văn phòng Cú Vọ, Hùng Panô tắt quạt để xác định âm thanh ồn ào ngoài khuya. Mưa, mưa tháng sáu! Nghe náo động anh kéo hết các tấm che cửa sổ, nhìn biệt đội súng nước bắt đầu công phá những nang kính. Anh cười đắc thắng: dấu chấm hết cho đợt nóng đỉnh điểm. Thành phố của bê tông nóng sực bắt đầu hoan ca. Trong một khắc bỗng nhiên quên đi nỗi chán nản, Hùng đi về phía hiên nhỏ,quấn một điếu thơm tho, gác chân lên bệ cửa sổ, làm như tất cả các động tác đó sẽ khiến anh bình tâm phân tích được mọi chuyện đã qua. Bây giờ thì thói tò mò của Thức đã ít nhiều cho thấy cơ sở của nó. Hùng Panô tự hỏi cậu chàng kia có gì chưa tiết lộ. Chắc chắn là có. Nhưng thôi chỉ riêng xét về vụ cướp trên xe buýt: gã đã chú ý Mai Hạnh từ bao giờ? Tại sao nắm chắc hành trình của đối tượng và tại sao suốt chặng đường đi ra từ nhà Dũng Khải Ninh, không có bất cứ một dấu hiệu nào của kẻ bám đuôi? Hùng Panô lần theo những dấu hỏi mà rốt cục là đi đến bế tắc đó, cảm thấy từ trong tấm phổi mù khói dâng lên một niềm gì đó vừa khó chịu và vừa hứng thú. Tựa như là đi dưới mưa vậy.
Vừa lúc đó, Mai Hạnh mở cửa bước vào, ướt quẫy. Cậu lẹ làng thay bộ quần áo chuẩn bị sẵn trong ba lô. "Cậu mò từ nhà lên đây à?" - Hùng Panô hỏi trong khi quay ghế quan sát Mai Hạnh tiến lại gần. Dưới đèn mờ, trông cậu bạn băng giá trắng nhợt như viên đậu phụ để quên trong tủ lạnh, vừa đẹp đẽ vừa thê thảm. Mai Hạnh, đôi tay run rẩy chìa ra, có phần nghiêm túc hơi quá và giọng thì còn lạnh hơi kim: "Cho tớ xin một điếu".
*
Là một cái gầm cầu chết dịch nào đó gần đây thôi. Thức tự nhủ trong lúc chùi cái điện thoại hết pin vào thân áo - lúc này đang dần thấm nước, rồi bực tức ấn vào trong túi quần. Óc phán đoán của cậu lúc này không phải dành cho việc đi tìm gầm cầu, hay nói chính xác hơn là tìm người con gái dưới gầm cầu. Trong truyện, Lê Phong không tốn thời gian kiểu như thế. Không có sự tạnh mưa nào tệ hơn cơn tạnh của tháng sáu, là lúc ta thấy mưa góp thành giọt lớn và nhỏ xuống rất chậm, xuyên qua vùng thịt da, ướt không đều, vô cùng khó chịu. Thức tự nhủ nếu nơi cần tìm không phải là cầu vượt Nguyễn Chí Thanh, cậu sẽ quay xe về nhà. 
Một kịch bản trinh thám ngoài đời thực đang bắt đầu, một vài mảnh ghép ngẫu nhiên của bức tranh tổng thể đang được lật lên. Thức vẫn đang trong giai đoạn rất dài phản ứng với những gì đã diễn ra, dù sự cố của Mai Hạnh trên xe buýt đã trôi qua hơn một ngày. Cậu không ngừng nghĩ về nó, làm đi làm lại cái việc lắp ghép chi tiết giống như người ta mê mẩn chơi bói bài. Dù không nặn ra được giả thuyết nào, nhưng Thức muốn giữ cho mình sự suy tư, giữ cho mọi việc luôn nóng hổi, bởi lẽ khi nghe tin từ Mai Hạnh cho đến tận thời điểm này cậu vẫn chưa tin vào tính chất drama của câu chuyện. Hà Nội là một thành thị yên ả. Sẽ chẳng bao giờ có bí mật thế kỷ nào trên lối đi hoa mộng Rue de Victor Hugo[1]. Trên xe buýt, họ vẫn ăn cắp ví của nhau, nhưng rất trật tự, ý nhị và công khai. Một vụ ấu dâm cuối xóm sẽ biến tất cả cư dân đầu xóm thành thám tử, nhà báo, vân vân...
Thưở nhỏ Thức rất quí mến một người chú họ trẻ tuổi phương xa, cậu cũng ưa thích đội Inter Milan và ăn vịt nướng. Một ngày đẹp trời nọ, cả ba điều tuyệt vời này cùng lúc xảy đến: người chú họ bấm chuông cổng, chiếc áo xanh đen có tên danh thủ Burdisso làm quà, và mẹ cậu đi về từ hàng vịt nướng. Không thể có phép cộng tồn tại giữa những niềm vui và điều duy nhất Thức còn nhớ là cảm giác thỏa thuê sững sờ của buổi hôm đó, để rồi tiêu biến rất nhanh trong ngày hôm sau. Cho đến tận bây giờ khi mà tủ áo của cậu có thể kể hẳn một câu chuyện về sự thay đổi thiết kế áo đội Inter, món vịt quay thì rẻ hơn cả một buổi cafe  còn người chú họ phương xa, sau tháng năm cống hiến tuổi thanh xuân cho núi rừng, nay nụ cười mất hẳn vì đứa con hư; cuộc đời vẫn không chịu cho cậu một hạnh phúc như thế lần thứ hai. Ở vụ lần này một điều tương tự như ngày đẹp trời năm nào đã đến với Thức: những gì Thức ngờ ngợ về Quyên nay đã đúng, đúng một cách đanh thép và chớp nhoáng, trong hình hài vụ cướp giật. Dù không thể coi là một vụ cướp giật thông thường được nữa và dù ý thức về số tiền không nhỏ đã mất,  Thức vẫn chưa nhìn thẳng vào cốt lõi của sự việc.
Thức rẽ sang trái và trục đường lớn nhớp nhoáng mở ra, những bông đèn lụn mờ trong đêm như đóm tàn, những vật thể hình thù rung rinh rung rinh dưới bóng mưa như được treo lên đâu đó. Người con gái nhỏ đứng dưới gầm cầu tĩnh lặng, phó mặc, như thể không đợi chờ ai hết. Người con gái khuôn mặt như trăng. Thức thắng lại đột ngột, bánh xe rê trượt trên mặt đường trơn mỡ. "Tưởng Như!". Và khi cậu vừa dứt tiếng gọi, đợt mưa rào mới lại dội xuống, ầm ào.
*
"Đây là cây gì?" – Mai Hạnh chỉ vào ba chậu cây nhỏ trên bệ cửa.
"Cần sa." – Hùng Panô đáp.
"Cậu trồng cần sa ngay trong văn phòng à?".
"Chỉ để chơi thôi. Nó không đâm hoa được đâu vì toàn là cây đực. Vả lại mụ Hoa cũng đếch biết gì đâu" – Hùng Panô gạt tàn thuốc – "Cậu ngạc nhiên à?".
"Không, chỉ là tớ chưa bao giờ hỏi về nó".
Mai Hạnh rời cửa sổ, vẫn điếu thuốc cuốn trên tay.
"Tớ vô dụng quá." - Mai Hạnh định nói khói Thần Dược có vị khác hẳn mùi bề ngoài của nó, nhưng rốt cục cậu đã nói một câu khác.
"Đừng lấn cấn mãi thế." - Hùng Panô tặc lưỡi - "Nếu có người phá đám, chắc chắn bà Thu Hà phải lường trước được. Đợi khi nào liên lạc lại được, ta sẽ hiểu rõ ngọn ngành".
"Tớ muốn nói về tất cả mọi thứ, không riêng chuyện đấy".
Hùng Panô liếc người bạn đang ngồi dựa tường, rồi anh buông ghế, xuống bên cạnh Mai Hạnh, cả hai cùng ngó ra ngoài trời mưa quật. Khung cảnh làm Hùng nhớ đến những buổi đốt thuốc đầu tiên thời đại học, vơ vẩn nhưng lãng mạn.
"Trông cậu như đang đóng phim ấy".
"Tớ không có tài năng, không có trí tuệ, không khôn ngoan, không khéo tay, không hiểu biết... Sắp không có cả bằng tốt nghiệp loại khá. Tớ không có bất cứ điều gì cả ngoại trừ tính nhạy cảm vô ích".
"Tớ không nghi ngờ về điều đó. Chắc là có chuyện gì xảy ra làm cậu trốn nhà và sang đây. Rồi lại đòi khẳng định lại tất cả những điều cơ bản ai cũng biết".
"Tớ muốn đối diện".
"Đối diện với gì?".
"Với số 0 của mình".
Hùng Panô nhún vai khe khẽ.
"Đấy không phải là đối diện. Đấy chẳng qua là lục lại vấn đề. Đối diện nghĩa là..." - Hùng Panô búng điếu thuốc - "...gặp mặt trực tiếp thằng đã gây ra cơn đau đầu của mình, đấm nó nếu nhất định phải đấm, hoặc giao kèo với nó, cho nó cái giá cao nhất hoặc thấp nhất trả được. Say rượu, thú nhận, soi gương vân vân... Đấy là một dạng khác của trốn tránh. Ở tuổi hai mươi ba như cậu, tớ cũng tưởng thế là đối diện cơ đấy".
Mai Hạnh nhìn Hùng Panô, cái điệu hút cần sa chuyên nghiệp của Hùng rất khó có thể bắt chước: cái đôi mắt lim dim mơ màng, cái phong cách thoại như người mê sảng. Bao giờ anh cũng nói với Mai Hạnh những điều rất khác với hai nhà tư vấn La Lan và Hải Đường. Mai Hạnh thấy người mình nóng dần lên, bù nhiệt sau cơn mưa ướt, hay một cơn sốt nhẹ?
"Chính vì cậu là Mai Hạnh như cậu vừa thừa nhận..." - Hùng Panô nói thêm - "...tớ mới quý mến cậu. Cậu không bao giờ trưng ra những cái đẹp đẽ mà cậu không có. Cậu dẫn tớ hẳn hai bàn với cái đức tính đó".
Mai Hạnh nuốt ực, nói lí nhí như ngồi trên phòng hiệu trưởng: "Nhưng cái gã gây đau khổ cho tớ, thì tớ lại không đấm được gã đó, cũng không thương lượng được. Bởi vì nó là Khanh Stein".
*
"Khanh Stein thì sao?" - Thức hỏi.
"Anh ấy không nghe máy, không trả lời tin nhắn. Nên mới phiền anh đón em." - Tưởng Như khẽ đong đưa người, nàng định đưa tay hứng mưa, nhưng không vượt qua được cơn lười biếng.
a lớn, Thức dựng xe dưới gầm cầu và lúc này đứng cạnh Tưởng Như. Chờ hết mưa rồi đi, Thức nghĩ thế. Một khoảng ngưng để những suy tư xung quanh câu chuyện Quyên trở lại lấp đầy các chỗ trống trong não bộ của cậu. Lúc nhận điện thoại của Tưởng Như và ra khỏi nhà, cậu đã muốn đi thật nhanh cho xong chuyện. Nhưng bây giờ thì khác, bóng tối này, những kẽ thời gian này và sự mát mẻ này thích hợp cho việc động não. Bảy triệu hai trăm ngàn mất hút vào một cái ngõ, ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
"Em có mùi rượu." - Thức nói, có vẻ sẽ bất lịch sự nếu không nói gì.
"Em đi chơi với lũ bạn, uống say." - Nàng uể oải
"Rồi làm cả hai chàng tình nhân giận dỗi không muốn đến đón." - Thức cười mỉa mai.
"Các anh ấy còn giận em dài." - Tưởng Như tỉnh bơ - "Nhất là anh Hạnh".
Mưa bắt đầu bay nghiêng. Một chiếc ô tô vượt đèn đỏ, hung hãn xoẹt qua làn nước. Thức kéo Tưởng Như tránh đòn, nhưng cậu bị ướt phần gối chân trở xuống. Thức tặc lưỡi, tháo giày, tất, trút bỏ niềm khó chịu đã bám lấy mình hơn nửa tiếng đồng hồ.
"Anh Thức này".
"Hả?"
"Anh tin vào điều gì?"
"Tin gì cơ?" - Thức ngập ngừng một lát - "Anh chẳng tin vào điều gì cả. Hay nói như trong sách của Perez-Reverte, niềm tin của tôi khá hạn chế".
"Thật kỳ lạ. Anh nhất định phải có một niềm tin, một quan điểm hay một cách sống nào đó chứ?".
"Câu hỏi quá chung chung" - Thức quay sang Tưởng Như, cười gượng - "Nếu em cho anh hai đội bóng, và có tỷ lệ bắt kèo, anh sẽ nói cho em anh tin đội nào".
"Anh phản ứng lại tất cả mọi sự với cái điệu cười của anh. Em hỏi anh nghiêm túc mà".
Thức xỏ tay trong túi quần, hướng đầu về phía Tưởng Như, như để xác minh nồng độ cồn trong đoạn hội thoại của cô bé. Cuối cùng cậu hít một hơi và nói: "Nhìn vào khía cạnh hài hước của mọi sự là cách giúp anh thoát được mọi tình huống éo le nhất. Cái đó mất công tập luyện đấy".
"Sự mạnh mẽ nào cũng là đồ giả được làm khéo mà thôi".
"Truyện ngôn tình nói vậy à?".
"Em chỉ thắc mắc về anh. Anh không bao giờ tiết lộ về đam mê, về triết lý sống của mình. Bao giờ anh cũng như một gã du đãng. Bao giờ anh cũng cười, thích đi chơi và nhiệt tình làm mọi chuyện".
Thức nhún vai, xem ra đùa cợt là không hiệu quả. Tưởng Như không chịu ra khỏi đề tài ban đầu nàng đề ra. "Cảm ơn em đã phát hiện ra ngần ấy thứ tuyệt vời. Câu trả lời cho em nó nằm ở ngay đấy đấy".
"Nhưng đấy chỉ là bề ngoài. Em muốn thấy anh trong tính cách bản năng của anh, sự yếu đuối của anh. Này, anh phải chia sẻ gì đó đi chứ".
"Sách cũng bảo rằng phụ nữ trẻ thích thăm dò bóng tối tâm hồn kẻ khác, để chắc chắn cây đèn của mình còn sáng".
"Sách nào bảo thế?"
"Tuyển tập ca dao tục ngữ".
"Không, không phải." - Nàng lắc những lọn tóc quăn - "Em muốn chúng ta hiểu biết về nhau, không phải bằng những chuyện phù phiếm hằng ngày, không phải thông qua những cử chỉ thân mật thủ tục,  những khen ngợi vô hồn. Mọi người sẽ bao dung, thông cảm được cho nhau. Thế giới của mỗi người đều phong phú, đều làm em mê mẩn. Nhưng với điều kiện em phải nhìn thấy nó. Em luôn tìm cách để nhìn thấy nó".
Nàng hạ giọng xuống: "Em đã luôn sống đúng như mình muốn, đã trình bày mọi điều trong thế giới của mình, với cánh cửa mở rộng cho mọi người".
"Anh tưởng em cần một người đến đón chứ không phải một người nói chuyện".
"Một người đi cùng!" - Nàng nói, bằng cả đôi mắt.
*
"Tớ không thích quan tâm đến chuyện người khác." - Hùng Panô nằm dài ra sàn - "Nhưng ngay từ đầu tớ không có thiện cảm với con bé Như đó. Nó xồng xộc tới giữa đời như kiểu máy hút bụi ấy. Tuy rằng nó hát hay thật hay". Hùng bật dậy, gãi gãi trán: "Phải nói là chính tớ cũng mê mệt giọng hát, chỉ giọng hát thôi nhé. Quên em nó đi thôi. Chẳng chóng thì chày nó cũng làm thằng Khanh phát ngấy, các cậu sẽ trở lại như xưa".
"Tớ yêu nàng chính vì nàng là một kẻ như thế".
"Tớ có rất ít kinh nghiệm." - Hùng Panô xoay cổ tay - "Mối tình của cậu đẹp chỉ vì cái kiểu yêu của cậu nó đẹp, chứ không phải con bé đó. Cho nó vào quá khứ sẽ đẹp hơn là tiếp tục trong hiện tại. Quá khứ giữ lại hình ảnh tốt".
Lần đầu tiên Mai Hạnh đụng vào một điếu thuốc cách đây đã hai năm: nhạt toẹt. Cảm giác đó vẫn nguyên vẹn cho đến bây giờ. Hoặc cậu chưa hút đúng cách? Mai Hạnh hít một hơi sâu, lim dim mắt cố gắng cảm nhận từng milimet trong họng và ngực mình đang tắm trong hương cần sa. Có chút bồng bềnh, nhưng chưa đủ. Mọi sắc màu xung quanh vẫn dịu dàng êm ái, mọi đồ vật xung quanh vẫn im lìm, cố thủ, không chịu đi ra khỏi những vị trí, hình dáng, những hiện thực cố hữu của nó. Cả Tưởng Như cũng vậy, nàng lì lợm ngồi khoanh chân trong những suy tư của Hạnh. Tuy nhiên tình thế bây giờ có khác hơn: những chê bai từ phía Hùng Panô xem ra hiệu quả. Mai Hạnh dần cảm thấy mình chiếm lại được quyền loại bỏ nàng ra khỏi trí nhớ, như một tên du đãng không cần đàn bà.
*
"Nhưng anh không phải là tên du đãng. Ngược lại, anh mọt sách, mê truyện, ít khi chơi khuya, không hút cần sa." - Thức vỗ vai Tưởng Như, cố tình cho thấy cậu đang chỉ coi nàng như một cậu trai.
 "Thì anh du đãng trong sách, trong thế giới của anh. Họ bảo anh có rất nhiều người tình!" - Tưởng Như né cánh tay của Thức.
Mưa vẫn rơi sầm sập mù đường, dệt một tấm ni lông che mờ tầm nhìn cảnh vật. Con nhỏ này cứ thế giới, thế giới hoài... Thức ngồi xổm xuống như một gã xe ôm rỗi việc, lục tìm bao thuốc Mond để cho đỡ lố bịch với tư thế này. Chỉ còn một điếu chưa bị ướt. Cậu đốt lửa, một hơi sâu, rồi nghĩ thế nào, cậu đưa điếu thuốc cho Tưởng Như. Nàng thản nhiên đưa lên miệng. Và Thức khẽ cười.
"Lên bar quẩy nhiệt, cặp bồ... Đấy là những thói quen bình thường, lành mạnh. Chưa gọi là du đãng." - Thức nói, dường như cậu đang tiến bước một cách khôi hài vào cuộc thảo luận về mặt khái niệm.
"Anh yêu ai?".
"Yêu cave." - Thức rung đùi, và như thế khiến cho cậu trông như đang nhấp nhổm - "Anh có một người bạn, anh ta quanh năm dành tiền cho gái karaoke. Khi hỏi anh ta yêu ai, anh ta trả lời như vậy. Anh cũng thích kiểu như thế, thỏa mãn và không ràng buộc".
"Anh có thật nhiều người bạn kỳ quái".
"Vậy à? Họ cứ tìm đến với anh thôi. Những chính trị gia, những thiên tài, những kẻ điên trong tiểu quốc của riêng họ. Anh là khán giả tiềm năng của những người đó".
"Anh thực may mắn." - Tưởng Như ngồi xuống bên cạnh Thức, nhưng là ngồi bệt, nàng đung đưa chân đá vào mưa. Nhìn từ góc của Thức, vóc dáng Tưởng Như không thon thả như ấn tượng ban sơ, nàng chỉ khỏe khoắn, đẫy đà - "Còn em, những bạn bè của em ít nhưng tầm thường. Họ không bao giờ làm điều gì khác họ, họ thậm chí chỉ chờ dịp ai đấy phản bội hoặc tấn công họ, để họ thể hiện cá tính và quan điểm. Họ biết mọi thứ qua facebook, qua đồn nhảm. Họ sẽ không thay đổi cho đến cuối đời".
"Em chưa đi vào thế giới của họ thôi..." - Thức giễu cợt.
"Nếu họ có" - Tưởng Như so vai rồi trao lại điếu thuốc cho Thức - "Em ước được đổi bạn với anh".
"Nếu coi em là bạn anh, em cũng là một đứa kỳ quái" - Thức cười khẩy rồi nhìn vào khuôn mặt tươi tắn, và đôi mắt có phần lờ đờ vì rượu của Tưởng Như, bây giờ thì trong não cậu, những băn khoăn xoay quanh Quyên đã nguội ngơ, đã tiêu tán hết vào trong mưa nặng hạt - "Nào, em kể thử ra đi, về Mai Hạnh, Khanh... À không, về mọi thứ, về câu chuyện của em..."
*
"Chuyện yêu đương của tớ có gì đâu." – Hùng Panô lục lọi trong tủ lạnh, không còn bia, cũng chẳng có nước ngọt – "Cậu muốn nghe điều gì? Về mặt kết cấu: yêu, rồi xung đột, rồi không thể đến với nhau. Về chi tiết: có những tin nhắn rất vô nghĩa, có đoạn hôn nhau và cởi quần áo".
"Nhưng cậu chưa bao giờ kể với ai về mối tình của cậu. Cậu làm việc như một con ong bắp cày, cậu không quan tâm đến gái, không cả nhạc nhẽo, phim ảnh".
"Hết tuổi cho những trò đó rồi. Nhất là tớ." – Hùng Panô hút một hơi cuối cùng trước khi ném đầu lọc vào mưa - "Ái chà, cậu muốn nghe chuyện để chắc chắn rằng người khác cũng thất bại về tình cảm đúng không?".
"Không, không phải." – Mai Hạnh lúng túng – "Chỉ là...".
"Cô ấy không đẹp, nhưng dịu dàng." – Không để Mai Hạnh nói hết, Hùng Panô ngồi xuống, yên lặng, như đang cố gắng nhập tâm vào một cảnh trầm – "Một mẫu phụ nữ phải nói thế nào nhỉ, thâu trọn người đàn ông vào mắt nàng, rồi coi hắn là cả thế giới, luôn cười khi thấy hắn và có thể không phản đối nếu hắn giết người. Hai mươi tuổi, tớ nghĩ đó là một mê đắm bình thường. Nhưng hai mươi ba tuổi, soi vào mắt nàng, tớ thấy sợ hãi. Nàng đã biến tớ thành ý nghĩa sống của nàng, chân lý của nàng, thang đo giá trị của nàng".
"Bây giờ thì sao?".
"Một báu vật đã mất".
"Tớ chưa bao giờ được cô gái nào yêu như thế".
"Có cái hay và có cái phiền phức." – Hùng Panô cười nhạt nhẽo – "Cô ấy có một điệu cười đồng tình rất đáng yêu. Đồng tình với mọi điều tớ nói, bỏ qua mọi thứ vớ vẩn mà tớ phạm phải, thậm chí cả khi tớ không trả tiền vay chính nàng. Cô ấy luôn giữ một cái lược và làm như lúc nào tóc của tớ cũng cần sửa lại".
Mùi oải hương như vừa trở lại trên sống mũi anh. Năm ngoái nàng đã lấy chồng, một thông tin loáng thoáng bay trong không khí buốt lạnh của tháng mười một. Hùng Panô gắng tưởng tượng ra nàng trong đầm cưới, ghép gương mặt nàng với phấn son, chiếc đai lưng thít vào da thịt nàng, nàng hợp với đầm ngắn hơn là đầm dài, có lẽ. Bây giờ chắc chắn nàng đã quen với bát đĩa, thau chậu của nhà chồng và dù không quá khéo tay, kiểu gì nàng cũng đối xử với chúng hiền hòa, ưu ái như ngày xưa anh vẫn thấy mỗi khi nàng loanh quanh trong phòng nhỏ mình. Bởi vì nàng luôn như thế, luôn giải quyết mọi chuyện đời lẹ làng và hiền hậu. Khi nàng ở bên anh, chẳng còn vướng mắc gì hết, tinh thần nàng là trọn vẹn. Vướng mắc chính là anh. Nếu giờ nàng ở đây, bên anh, anh sẽ làm việc với nỗ lực gấp đôi, nàng sẽ chỉ phải sắp xếp trang trí cửa nhà, săn sóc chúng bằng tình yêu.
"Nhưng rồi tại sao mọi thứ đổ vỡ?".
Hùng Panô lại châm thuốc, điếu thứ tư. Anh hút nhưng không nhìn vào điếu thuốc. Anh không cần ngọn lửa đỏ lôi mình vào cơn sầu muộn đang kéo đến. Anh nhìn Mai Hạnh, tìm một an ủi từ hình ảnh bằng hữu.
"Vì giọng nói của tớ".
"Giọng của cậu?" – Mai Hạnh khó hiểu.
"Giọng của tớ." – Hùng Panô gật đầu – "Cách đây sáu năm tớ không nói thế này. Rất nhiều âm tiết mới, từ mới, cách phát âm mới. Giọng Hà Nội cậu hiểu không? Kể từ khi gia nhập với Minh Hải, tớ đã luôn muốn trở thành một đứa thành thị. Những trò marketing, những concept, viral, workshop, analysis... Tớ đã thuộc về cái tổ chim này và hót theo ngữ điệu của nó. Có những người có thể sống ở mọi nơi với nguyên một bản chất, có những người thì không. Tớ thuộc dạng thứ hai. Tớ cao lớn nhưng không giống một người lao động, gia đình tớ cũng mưu sinh ở chợ, chứ không phải đồng quê. Tay tớ dài như vượn và nó đã nguyện gắn hết đời với bàn phím qwerty. Và tớ nhanh chóng nhận ra tớ không thuộc về thế giới giản dị của nàng và bạn bè nàng. Tớ quan tâm đến các lý thuyết thị trường, còn họ bàn tán về phim Thái Lan. Họ vẫn tụ tập, mua cóc ổi và cười giòn tan như ký túc xá những năm 2000, chứ họ không đến Highlands và ngồi tô tranh màu. Hai thế giới khác nhau, cậu biết đấy. Cô ấy không biết tớ làm những việc gì mà chỉ dành một tình yêu thuần khiết, cô ấy không có bất cứ điểm chung nào với các cậu, với Thức, Hải Đường... những người bạn của tớ. Sự khác nhau bao giờ cũng có hàm ý so sánh và ở trong so sánh đó, thế giới của đô thị cứ luôn được mặc định xếp ở trên. Ngày về nhà nàng, tớ mặc một chiếc hoodie đỏ rực và trông thật lố bịch giữa miền quê đó. Họ có một thế giới riêng tớ không thể nào xâm nhập được, thế giới của những người thân quyến, của những câu chuyện không đầu không đuôi về những người bác, người dì, những câu chuyện cất lên một lần rồi chìm xuống trong yên lặng buồn bã. Nhưng đó là một thế giới dịu dàng, tử tế, người ta chỉ nói những lời gan ruột. Tớ định nói gì đó, nhưng một âm o tròn trịa, một thanh hỏi nặng nề đã cản lại tất cả. Tớ khinh ghét giọng nói của mình lúc đó, và có cảm giác như mình là một kẻ mất gốc đê tiện đang định bịp bợm bằng các chiêu marketing của mình. Kết thúc như thế đấy Hạnh ơi, không có một kẻ thứ ba xen vào. Xin cậu đừng đánh giá. Chỉ là tớ không yêu nàng bằng những đam mê ở tuổi hai mươi, những thứ vừa có sẵn trong lòng lại vừa được thổi vào tai mình. Một bộ phim câu khách mà tớ xem bảo rằng khoảng cách là do người ta tự tạo ra với nhau. Một câu nói rất đúng, luôn được chứng minh đi chứng minh lại".
Hùng Panô kể chuyện như một kẻ thú nhận khiến Mai Hạnh sững sờ. Cậu toan nói điều gì đó nhưng không được. Một lời động viên thì thật vô duyên. Một chia sẻ cũng không phải lúc. Mai Hạnh không có một từng trải tương tự. Và bây giờ, ngay cả những xung chấn có với Tưởng Như cũng có thể mờ nhạt trước câu chuyện của người bạn. Mai Hạnh vẫn luôn như thế, luôn xúc động quá mức.
"Cậu chân thành. Sẽ có một người phù hợp đến với cậu." – Mai Hạnh gãi đầu.
"Bộ phim đấy không có câu này. Nhưng tớ đang làm mọi thứ để đón người đó. Cậu biết đấy, phải có tiền. Khanh Stein cũng vậy, bốn năm nữa nó sẽ yêu bất động sản hơn Kant".
"Còn tớ thì sao? Khanh Stein có tài năng, hiểu biết. Hải Đường nói rằng hoa trái trong cuộc sống chỉ dành cho những người có tài thôi".
"Hải Đường quên chưa nói một điều." – Hùng Panô khẽ bật cười – "Cậu có một thứ vượt qua tất cả bọn tớ, thậm chí cả Hải Đường, một thứ mà tớ chắc cậu cũng không thích. Nhưng nó được ban cho cậu".
Hùng Panô chuyền điếu thuốc cho người bạn: "Cậu là con nhà giàu. Một đứa con trai thành thị giàu có, tốt bụng và hiền lành, cậu sẽ có em Tưởng Như bất cứ lúc nào, nếu cậu muốn".
*
"Không, em không quan tâm đến gia đình khá giả của anh ấy. Nếu chẳng may phải lấy chồng, em cần một người biết giữ tiền hơn." – Tưởng Như lắc đầu nguầy nguậy – "Hơn nữa, anh Mai Hạnh quá nhu mì và nội tâm, không làm cho con gái thích được. Nhưng anh ấy vẫn là một người yêu lý tưởng, vì sự dễ chịu và vì cảm giác an lành anh ấy tạo ra. Anh ấy làm em luôn muốn chở che".
"Khanh Stein cũng chẳng khác gì. Tốt bụng và ẻo lả." – Thức nhếch mép.
"Em không thấy thế." – Tưởng Như vẫn tròn vai hội đồng phản biện – "Anh Khanh, anh ấy, anh ấy...".
Nàng băn khoăn tìm từ, gắng đánh thức hình ảnh của Khanh. Tất cả đẹp đẽ của Khanh đối với nàng không mang bóng dáng một câu chuyện. Nó là ngôn ngữ và thanh âm, là màu sắc và khí quyển, là một cái gì đó đã vượt qua hẳn sự thông tuệ của nàng.
"Chúng em đã trò chuyện rất nhiều sau buổi đầu tiên." – Nàng nhẹ giọng như đang chuyện trò với mưa – "Anh ấy là một tên dở hơi, cứ nghiêm trọng và mô phạm hóa mọi thứ. Cũng là một tên ngốc nghếch, sống quá ít trong đời thường, không biết cách làm đỏm dáng. Em định bụng sẽ thay đổi anh ấy, nhưng em không làm thế. Không phải vì thương hại, mà ngược lại, vì em ngưỡng mộ. Anh ấy bình thản, tự do, cực kỳ sắc sảo trong học thuật. Anh ấy đã thay đổi tư duy của em, ví dụ trong môn Lịch sử, rằng việc theo dõi các khái niệm còn quan trọng hơn là nắm bắt những sự kiện. Em không thể không nói rằng anh ấy thật kỳ lạ và thực sự lôi cuốn".
Nàng còn tiếp tục nói về Khanh như bị thôi miên. Điều này làm Thức hoàn toàn bất ngờ. Khi nhận ra Tưởng Như đang ngồi giữa đường biên của bóng tối dưới chân cầu và một bên là mưa sáng lóa, cậu tự hỏi cô bé này là ai và thứ tiểu thuyết nào đã tiêm nhiễm, bỏ bùa cô ta.
"Em mê Khanh hay khoa học của anh ta?" – Thức cố gắng xác định cốt lỗi của vấn đề ẩn dưới búi ngôn từ của Tưởng Như.
"Tất cả. Em mê tất cả."
"Em tham lam quá. Rồi lại cả Mai Hạnh nữa".
"Thế giới của mỗi người đều đẹp. Em tùy ý chọn ra điểm để mê ở họ".
"Đó có phải là tình yêu không?".
"Em không biết." – Tưởng Như ngập ngừng – " Tại sao chưa ai định nghĩa lại rồi đặt tên cho những cảm giác say đắm đó? Người ta không thấy tình yêu là một khái niệm đã quá cũ rồi hay sao?".
"Em điên rồi." – Thức nhún vai theo kiểu danh hài Jim Carrey – "Em đang khiêu vũ giữa nhiều người đàn ông. Em không có quyền làm thế".
"Đa tình, vâng. Chỉ có đàn ông con trai mới có quyền đó thôi hả anh?".
Thức không nói gì. Mưa đã bắt đầu tạnh. Tại sao chúng ta lại bị cuốn vào những đối thoại này? Tại sao khi say rượu và khi đứng trước mưa bay lãng mạn đầy kích động, chúng ta không im mồm thay vì trao nhau những lời mà suy cho cùng chỉ là ảo ảnh ngôn ngữ, thậm chí có thể tiễn ta trượt xa khỏi những điều ta thực sự tin yêu? Nhưng Thức cũng không thấy mình muốn đứng lên ra về. Sao chưa ai định nghĩa lại rồi đặt tên cho những cảm giác say đắm đó? Một cách thoáng chốc, đầu óc Thức hiện ra hình ảnh những người tình làng chơi, cả nhỏ tuổi, cả hơn cậu sáu tuổi, những mảnh tình vặt vãnh. Và La Lan nữa, La Lan của ngày đã cũ, của một giờ con phút nhỏ. Nhưng rồi tất cả ký ức đó biến nhanh sau một cái lắc đầu nhẹ. Chỉ còn lại duy nhất một bóng hình, mảnh mai, đằm thắm, dù chưa từng là người tình...
Không, đàn ông con trai không đa tình đâu. Thức toan quay sang nói với Tưởng Như điều đó. Không có bằng chứng gì, nhưng là một điều cậu đang tin chắc. Tuy nhiên, cậu bắt gặp ánh mắt của nàng, to tròn và hoe đỏ. "Hình như em bị nguyền từ kiếp trước. Hình như kiếp trước em là một kỹ nữ." – Nàng nói, quyết liệt – "Nhưng rồi em sẽ trả hết. Vì chưa bao giờ em muốn làm một đứa con gái".
*
"Nhưng họ bảo cậu như con gái cũng đúng. Bố mẹ cậu thích đẻ con gái, họ được thỏa lòng một nửa rồi đấy." – Hùng Panô quả quyết – "Đàn ông là gì? Phải xâm chiếm, phải khệnh khạng, ngồi banh chân ra, phải tặc lưỡi tin rằng bọn con gái không thể sống thiếu cậu".
"Sự thật là họ vẫn sống khỏe đấy thôi." – Mai Hạnh cười trừ - "Tớ không muốn tự tạo ra ảo tưởng".
"Đấy điểm cốt tử đấy. Sợ. Không dám. Sợ cả chính mình mới tệ".
Mai Hạnh lặng im hồi lâu, rồi ngập ngừng nói: "Cảm ơn cậu. Hùng Panô".
"Tớ hy vọng là cậu tranh luận cơ".
"Vì cậu nói đúng".
"Ngoài ra cậu còn như một lão già hoài niệm quá khứ, cũng nên thay đổi đi".
"Đấy là chỗ trú ẩn của tớ." – Mai Hạnh thừa nhận.
"Có nhiều cách để yêu quá khứ. Nếu cứ nhớ nhớ nhung nhung, tớ phát điên lâu rồi. Ngày hôm nay cũng tốt đẹp chẳng kém. Cậu cứ sôi gan sôi ruột về tương lai đi rồi cậu sẽ thấy".
Hùng Panô làm một cử chỉ động viên: "Làm vài điếu thuốc, vài ly rượu, làm một gã làm xàm, một thằng cha gàn dở... Thử đi, tìm mình trong đấy đi, tốt cho cậu đấy. Tớ vượt qua tuổi hai mươi ba theo cách đó".
Rồi anh búng ngón tay: "Quay lại học nhiếp ảnh đi, nếu cậu thích".
Mai Hạnh nhìn Hùng: "Chính cậu bảo rằng tớ không có khiếu mà?"
"Không. Cậu chỉ không có khiếu trong việc học các nguyên lý và kỹ thuật thôi. Tớ đã xem mấy tấm cậu chụp, ý tưởng rất sáng. Chỉ có điều là bố cục còn chưa hoàn chỉnh".
Hùng nhớ lại, cách đây hơn một năm anh đã dạy cho Mai Hạnh chụp ảnh, giống như khi xưa Minh Hải chỉ cho anh. Cái biệt danh Panô từ đó mà ra, vì Hùng Panô nghiện chụp ảnh toàn cảnh Panorama đến mức cực đoan. 
Mai Hạnh gật đầu và giơ điếu thuốc lên: "Nhưng món Thần Dược này của cậu, tớ hút vào không có bất cứ cảm giác say sưa nào. Tớ dùng sai cách à?".
Hùng Panô xoa xoa mái đầu cua: "Đây chỉ là thuốc lá quấn Mac Baren thôi." – và so vai – "Tớ bỏ cần sa rồi".
"Từ bao giờ vậy?" – Mai Hạnh ngạc nhiên.
*
"Từ lâu rồi, từ lúc em còn ở nhà với bố." – Tưởng Như nói.
"Nhưng em đã hát rất hay." – Thức dịu giọng – "Anh sẽ bốc em về nếu anh là bầu sô".
"Hôm đó anh đâu có chú ý nghe em hát." – Nàng xỏ xiên.
"Nhưng anh nghe thấy rất nhiều lời khen. Mọi người đều ngỡ ngàng. Vả lại, bằng cách nào đó âm thanh vẫn vào tai anh, một giọng hát hay là một giọng hát vẫn chinh phục được kẻ khác mà không cần hắn phải cố ý thưởng thức." – Thức vừa nói vừa lấy làm thú vị về cách vụng chèo khéo chống của mình.
Bây giờ đã bắt đầu khuya. Dưới chân cầu lặng lẽ, Thức đã chấp nhận bản chất của cuộc trò chuyện. Giống như người ta thức khuya và suy nghĩ lung tung thôi mà, giống như tay Hùng Panô cứ đến khi mặt trời lặn mới bộc lộ hết cái thói ưa sự mà ban ngày hắn phải giấu sau mặt nạ người lớn vậy. Vả chăng, một tâm tình bao giờ cũng là một mô típ, không của riêng cá nhân ai, nó có thể xuất hiện vài phần trăm ở người nay, nhiều phần trăm hơn ở người khác. Lắng nghe tiếng nói trong lòng khát khao, đó là lối nhỏ đi vào bản chất nhân loại, một phương pháp của ngài Sherlock Holmes.
"Em không mê ca hát nhiều đến độ đó. Ca hát là chỉ là một trò nhại giọng, dùng tiếng nói của minh họa cho lời nói của kẻ khác. Em thấy bực dọc khi xuất hiện trước người khác như vậy".
"Bố em nói vậy?".
"Không, em không bao giờ tham khảo ông ấy".
"Anh nghe nói bố em là một họa sỹ".
"Em thừa hưởng máu nghệ thuật của ông".
Thức hiểu ra vấn đè: "Một dòng máu mà em không ưa chuộng?".
"Em lớn lên giữa hoa. Bố em không vẽ gì khác ngoài hoa. Vào ngày mà tường nhà đã toàn những loài hoa cổ quái bằng màu acryllic và bố em say rượu khúng lên đòi thuê xưởng, em đã chọn ở lại với bố chứ không phải với mẹ. Em chỉ mê ông ở cái niềm thản nhiên của ông khi mẹ em bỏ đi. Vâng, ngày ấy đã quá xa, nhưng thời gian trôi qua em chỉ còn nhớ được đúng một cái cảm xúc đó. Đâu phải đứa trẻ nào cũng khóc lóc thảm thiết khi gia đình đổ vỡ như trên phim? Mẹ em bảo em giống bố: tàn nhẫn, vị kỷ. Bố em không vị kỷ, ông chỉ lười nhác: lười thay đổi. Tất cả những gì người ta nói về bố con em, em đều biết hết. Cái hình ảnh tay bợm rượu lúc nào cũng vẽ vời với thuyết trình có được thăng cấp lên một chút nhờ vào bức họa vài nghìn đô la mà ông đã bán để nuôi em. Người ta đồn đại, thêu dệt, sợ hãi, khinh bỉ... Này, thế mà bố mày giàu lắm nhé. Nói chung là phát sốt lên với cái đám tranh pháo bạc triệu đó. Ông có nhiều bạn mới hơn, toàn các nhà thơ A nhà thơ B, một đám tục tĩu, rượu bia đàn ca, đàm tiếu chính trị tối ngày. Có lão còn nhìn em như thể em là bánh trứng kem. Cứ tàn tiệc bố em lại kêu bức tranh tâm đắc bán đi làm ông thống thiết đau khổ. Ông dẹp xưởng, đổi hết sang tranh màu nóng..." – Tưởng Như nuốt khan – "...Em biết hết. Đó chỉ là một cơn điên giả, một đau khổ làm dáng. Em không thất vọng, nhưng phát ngấy lên về ông, về tất cả mọi người trong trò hài kịch của dân phố. Em muốn sống tốt, làm việc có ích, được lĩnh hội tri thức thực sự, không bị người ta khinh thường. Em đã ghi danh vào khoa Sử, em bắt bố em phải cam kết nuôi em ăn học cho đến ngày em đàng hoàng bước ra đời".
Okay. Cho cô em đi gặp tráng sỹ cải cách giáo dục Minh Hải để biết thế nào là... Thức nghĩ thầm, định buông một lời bông đùa. Nhưng cậu chợt cảm thấy rõ nét một niềm quá khích khó hiểu trườn tới, run lên trong lời nói của Tưởng Như:
"Em không muốn làm con gái, nhất là một đứa con gái xinh đẹp chỉ biết ưỡn ẹo, sống trong mắt đàn ông. Càng không muốn làm nghệ sỹ rởm. Em ngưỡng mộ anh Khanh, chị Hải Đường và anh nữa, anh Thức.."
"Ngưỡng mộ tôi mà làm gì." – Thức phì cười, chuyển ngôi xưng hô – "Tụi tôi cũng chỉ là một lũ thất bại thôi".
Nhất là trong gia đình, nhất là với kỳ vọng của bố mẹ và ông anh trai thành đạt của tôi. Thức nối dài câu nói trong suy tư. Mưa đã cạn. Hoàn toàn. Thôi nhé, đừng tranh luận qua lại, nói câu gì đi em, đóng câu chuyện lằng nhằng này đi rồi ta cùng về. Một mùi sắt han bốc lên trong không khí. Hơi thở của mưa! Bên cạnh đó, còn một mùi gì khác, một thanh hương đã lâu rồi Thức không thấy xuất hiện trong đời mình. Cũng vậy, một hơi thở khác trong lặng im đột ngột. Nói gì đi Tưởng Như. Sách bảo rằng phụ nữ trẻ thích thăm dò bóng tối của kẻ khác...Tôi biết mà...Thức chập chờn quay sang, nhưng khi ấy, cậu chỉ thấy một đôi môi gần.



>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)



[1]Tên cũ của phố Hoàng Diệu, Hà Nội

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Mai Thảo một tinh cầu

Đức Anh Kostroma  Đọc Mai Thảo, nghĩa là ngồi trước thu phong của tiếng Việt lồng lộng. Là một nhà văn vừa được yêu mến cuồng nhiệt, lại vừa bị chê bai thậm tệ, Mai Thảo tưởng như luôn đứng ở vị trí chính giữa những thái cực: giữa viễn mơ và dấn thân, giữa chán chường cực độ và sống đời nồng nhiệt, giữa tình ái thị trường và  đích thực duy mỹ, giữa màu mè và tinh mật, giữa kiệt tác và vô danh. Mai Thảo đứng giữa nhưng đi vững. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung nhiều hơn về những gì mà ta có thể học được từ Mai Thảo, không hẳn phải về nghề viết, không hẳn phải về tư tưởng, mà là về cách một nhà văn có thể lớn hơn văn chương của họ. Mai Thảo văn chương lẽ sống Trong văn chương, không phải nhà văn lớn nào cũng cần kiệt tác. Kiệt tác hoàn toàn có thể không ứ đọng ở khuôn khổ gọn gàng và chật hẹp của một quyển sách, một ý tưởng, một câu chuyện được kể. Mai Thảo hiển nhiên sẽ khó có thể có tác phẩm được xướng tên trong bất kỳ một cuộc bình chọn có nghĩa lý nào. Mai Thảo thuộc ...

Tiểu thuyết “Nhân sinh kép sống hai cuộc đời” đạt giải thưởng của Hội Nhà Văn Việt Nam 2023

    Toàn văn thông tin từ báo Văn nghệ trẻ Ngày 27.12.2023, Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều đã ký quyết định số 84/ QĐ-HVV công bố Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam 2023 cho tiểu thuyết   Nhân sinh kép sống hai cuộc đời   của tác giả Đức Anh, với số tiền được trao là 30 triệu đồng. Nhân vật chính có hai thân xác độc lập là Kiên và Vũ. Trong khi Kiên ở Đà Nẵng, sống cuộc đời của một thần đồng từ bé, thì Vũ ở Hưng Yên có cuộc sống của trẻ mồ côi và học không hề giỏi. Sau khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên đã về Hưng Yên dự đám tang chính mình. Mặc dù thủ phạm đã được bắt giữ, nhưng Kiên vẫn tồn tại một số nghi vấn trong tình tiết vụ án cùng với suy nghĩ chịu trách nhiệm cho cái chết của bản thể còn lại, anh đã bắt đầu đi sâu hơn vào mối quan hệ phức tạp của các kiếp nhân sinh kép. Trong hành trình giải quyết những băn khoăn, Kiên phát hiện ra một hợp đồng có liên quan trực tiếp tới cái chết của Vũ và món nợ khổng lồ Vũ để lại khiến gia đình lâm vào cảnh k...

Định nghĩa Chơi - Kim Định

Đa Minh Lương Kim Định (trích từ Phong Thái An Vi) ĐỊNH NGHĨA CHƠI 1. Ta thường hiểu chơi là không làm gì. Đó là nghĩa thấp nhất. Chơi cũng hiểu là giải trí để làm việc tốt hơn. Nghĩa này cũng còn tiêu cực tuy nhiên đã cần thiết vì nó làm nên nhịp âm đối với làm là nhịp dương. Sự thực chơi có nghĩa bao la và rất tích cực gồm cả văn hóa và siêu linh. Ta quen nói chơi đàn, chơi nhạc, chơi cờ, chơi chữ, nó chơi tôi...những chữ chơi đó nói lên sự bao la lớn rộng cũng như nét vi tế của chữ chơi, mà sau đây ta sẽ xét qua. 2. Trước hết chơi là một biểu lộ của sự sống có tính cách nội khởi, tự động, phổ biến. Chơi không những có ở nơi người, chơi còn có cả trong con vật. Hãy xem quanh ta nào mèo, nào chó, ôi thôi nó chơi, nó giỡn tưng bừng.Bò, heo, gà, vịt đều chơi cả. Thế là ta biết chơi gắn liền với sống, sống càng mạnh chơi càng nhiều. 3. Chơi còn là một biểu lộ rất sớm; nơi con người nó xuất hiện ít tháng sau khi sinh. Chơi choán trọn mấy năm đầu, chưa làm cái chi khác nhưng đã có chăng ch...