Chương 21 - Những gì khác về Hải Đường
Chương 22 - Gặp lại Lê Dương
"Cậu này..." – Trần Vũ trỏ ngón tay kẹp điếu thuốc vào Mai Hạnh – "...đã bị lấy mất Balô trên chiếc xe buýt hôm đó, có phải không?"
Câu nói bình thản của người đàn ông một lần nữa lại gây lên sửng sốt cho bốn người bạn.
"Anh chính là, là..." – Mai Hạnh sững sờ như gặp một Deja Vu. Cái lưng và bóng dáng người đàn ông đã giật đồ hiện ra lờ mờ trong tâm trí cậu như một vệt bút chì chưa được tẩy kỹ.
"Tôi nói tôi biết rõ về vụ đó đơn giản là vì..." - Người đàn ông nói, đầu hơi cúi xuống - "Chính tôi là người đã lấy đồ của cậu!".
Thức nhìn Hùng Panô rồi nhún vai. Trần Vũ vừa biến Thức thành một thám tử bại trận. Nếu đây là một chuyện xảy ra trong tiểu thuyết, hẳn phải là một cuốn sách trinh thám nghèo nàn nhất, với thủ phạm lộ diện và kể tuốt tuột đầu đuôi.
"Đừng ngạc nhiên thế. Cậu làm tôi thấy lại càng có lỗi lớn hơn." – Trần Vũ hướng về phía Mai Hạnh – "Đó là hành động nghịch ngợm đột khởi của tôi trong cái lúc mà cậu hớ hênh. Ban đầu tôi chỉ định gặp riêng các cậu để thỏa thuận mua lại gói tạp chí đó".
"Có chắc không ông anh?" – Thức bắn một ánh mắt nghiêm nghị về phía người thủ phạm - "Chẳng phải ông anh đã tốn công theo dõi tụi này trong suốt cả tháng trời đấy sao?".
"Tôi không theo dõi các cậu".
"Thế tại sao..."
"Cho phép tôi nói nhé." – Người đàn ông ngắt lời Thức, giọng gấp gáp – "...Thật ra mọi thứ đều là hiểu lầm. Tôi chỉ tình cờ gặp các cậu mà thôi".
"Tình cờ thế nào, ông anh kể xem?"
"Lúc đầu tôi chỉ muốn đi tìm vợ tôi chứ không quan tâm gì đến mớ tạp chí cũ đó cả. Nhưng khi đặt chân đến đây và suy nghĩ lại, không hiểu sao tôi bỗng cho rằng cần phải tìm kiếm được chúng trước khi vợ tôi làm được. Lúc đó, tôi sẽ có cớ để gặp cô ấy và nếu thực sự mối quan hệ đã đổ vỡ, tôi muốn chính tôi trao cho cô ấy cái mà cô ấy cần. Tôi không giả bộ cao thượng đâu, tôi có lý do riêng của mình, chuyện này rất khó nói." – Trần Vũ dụi điếu thuốc hút dở khi còn tới một phần tư và nhanh chóng rút ra điếu thứ hai – "Những lần thấy cô ấy tìm gặp các cậu, thực ra là tôi theo dõi cô ấy, chứ không phải là các cậu. Có một lần cô ấy đến văn phòng của các cậu, thoáng trông thấy tôi, cô ấy đã bỏ đi tức khắc".
"Lần ở Boundaries Space thì sao?" - Thức chất vấn.
"Đó là hôm tôi tìm gặp Mộc Miên. Cũng giống như các cậu, để hỏi thăm chuyện tạp chí Quyên".
"Thật khó tin chuyện tình cờ nhiều lần như thế".
"Tùy các cậu, tôi không nói dối. Tôi đã gửi tiền vào tài khoản của các cậu coi như một lời xin lỗi và cảm ơn." – Trần Vũ một lần nữa hướng về Mai Hạnh – "Tôi hy vọng cậu bé này bỏ quá cho chuyện đường đột ngớ ngẩn kia".
Vậy ra, số tiền 200 USD nhận được hôm trước không phải của Thu Hà. Hùng Panô thầm nghĩ, nhưng anh cũng không bình luận gì thêm.
Thêm một phong bì khác được đưa ra trước mặt Mai Hạnh kèm theo lời xin lỗi lịch thiệp của Trần Vũ.
"Em xin phép không nhận cái này." – Mai Hạnh thẳng thắn – "Em không nhận tiền của ai khi không có công trạng gì".
"Chỉ là chút quà nhỏ thôi, nói như người Hà Nội chúng ta." – Trần Vũ có vẻ đắc ý với hành động của mình.
Mai Hạnh vẫn lắc đầu nguầy nguậy. Nhưng Thức tự hỏi không biết có phải do cậu bạn của mình vốn hiền lành, nhu nhược, nên ta chưa nhìn ra được sự cương quyết nào trong cách mà cậu ta từ chối những đồng bạc lộc lá?
"Vả lại..." – Trần Vũ hắng giọng – "... Tôi cũng muốn nhờ vả các bạn liên lạc với Thu Hà và sắp xếp một cuộc hẹn giùm tôi. Và mong muốn các bạn kết thúc cái phi vụ phí sức kia. Chúng tôi đã làm phiền các bạn quá nhiều".
"Anh Vũ, tụi em đã nhận tiền của chị Thu Hà. Một số tiền không nhỏ chút nào. Tụi em không muốn nuốt lời với chị ấy".
Câu nói của Thức làm Trần Vũ bất ngờ. Nhưng bất ngờ hơn cả là Hùng Panô. Chẳng phải ngay từ đầu chính cậu chàng đã khuyên Hùng làm mọi cách để kết thúc sự việc? Nói như thế, nghĩa là trong Thức vừa có một thay đổi đột ngột, có lẽ chính là từ cái vẻ phiền nhiễu khó ưa từ gã đàn ông tên Trần Vũ này. Nghĩ như vậy, Hùng Panô mỉm cười.
"Cậu được quyền nuốt lời." – Trần Vũ khẳng định, gần như là một gợi ý – "Không có ràng buộc nào khiến cho các cậu phải tìm ra một thứ đã vĩnh viễn không còn nữa".
"Tụi em đã ký một ghi nhớ lúc nhận tiền." – Thức biểu diễn nét cười nham hiểm quen thuộc.
"Thu Hà sẽ không kiện tụng gì đâu".
"Nhưng cái thứ kia cũng không vĩnh viễn biến mất." – Thức nhìn xoáy vào trán người đàn ông – "Một bộ nguyên như thế đã được bán ra ngoài Chợ Tạp Chí. Và tụi em đã thỏa thuận được với người đã mua chúng".
"Không thể nào. Làm thế nào các cậu biết được..." – Trần Vũ kinh ngạc – "Mà ông ấy sẽ không đời nào bán lại chúng cho cậu".
"Anh hiểu ông ấy thế cơ à?"
"Rất hiểu, đó là sếp cũ của tôi!"
"Truyện cười dân gian kể rằng khi biết tung tích của cái gì, thì ta không thể nói là đã mất cái đó." – Thức đắc thắng – "Nếu Quyên còn ở quanh đây, tụi em sẽ không ngừng lại. Còn chuyện mua được hàng hay không còn tùy rất nhiều duyên tình".
Nhận thấy một căng thẳng đang nhen nhóm, Khanh Stein mở miệng:
"Theo ý kiến của tôi, chuyện này dù sao cũng dính dáng đến nội bộ gia đình của anh Trần Vũ." – Khanh dõng dạc – "Nếu được, tụi mình nên tính đến chuyện rút lui và..."
Trần Vũ mừng rỡ nhìn Khanh: "Tôi sẽ gửi thêm tiền cho các cậu".
"Đây không phải chuyện cá nhân nên cả nhóm cần có một biểu quyết" – Hùng xen lời, và liếc nhìn Thức – "Tuy nhiên, trưởng nhóm tôi xin sung một phiếu vẫn tiếp tục thỏa thuận với chị Thu Hà. Đơn giản là vì ta đã nhận tiền của chị ấy".
Và Hùng quay sang Trần Vũ – trông gã như thể vừa bị tịch thu hộ chiếu: "Tụi em rất tiếc, nhưng không thể nhận một lúc hai giao kèo trái ngược nhau. Ông anh biết không, những người chuyên nghiệp không bao giờ làm như thế".
****
"Quân béo, rồi Trần Vũ, hai gã đau khổ. Toàn những nạn nhân của đàn bà." – Thức bình luận, rồi vỗ vai Khanh Stein rất mạnh khiến cậu này giật nảy – "Đúng là đàn bà, làm tình xong quay ra làm tội".
"Người yêu Hải Đường thì không rõ. Nhưng cái gã Trần Vũ này không đau khổ lắm đâu." – Hùng Panô chậc lưỡi – "Một căn hộ, một chiếc xe hơi từ trên trời rơi xuống. Đúng lúc đó thì lại được hưởng niềm tự do của cuộc sống độc thân".
"Nhưng mất một người vợ đẹp!" – Thức nhún vai.
"Bất cứ phụ nữ đẹp nào cũng có một kẻ chán cô ta đến cổ".
"Ông ta bốn mươi tư tuổi rồi, không suy nghĩ như cậu đâu Hùng ạ".
"Thu Hà đã ba mươi bảy nhưng vẫn mua búp bê và ghiền tạp chí học trò đấy thôi".
"Vấn đề là ở chỗ..." – Thức nghịch ngợm vặt một chiếc lá bên đường – "...Tài sản kếch xù của ông chú quý hóa vẫn là của Thu Hà. Khi đó, không nói đến buôn bán, ngay cả việc giữ vợ không cho li dị cũng là một cơ hội kiếm chác ngon lành. Ngược lại, trong trường hợp ly dị, số tiền đó có thể nhanh chóng xuống sông xuống biển nếu bà cựu văn sỹ kia cứ vài năm lại phát hiện ra một mục đích sống".
"Cậu xem quá nhiều phim Mỹ rồi, Thức ạ".
Bốn người bạn đang trên đường cuốc bộ về nhà. Đã năm rưỡi chiều, những thân thể đàn bà nhễ nhại bắt đầu tập trung nơi các phòng tập thể hình ồn ã, inh ỏi.
"Mà này, chúng ta có ký kết gì với Thu Hà hay sao?" – Khanh Stein thắc mắc.
Thức cười nhăn nhở: "Ký bằng miệng. Có khác gì không?"
"Vậy còn vụ đã thỏa thuận với nhân vật ở Chợ Tạp Chí, cậu cũng bịa nốt?" – Khanh hừ mũi.
"Cậu đã nghe mưu kế giả vờ như đã biết của Gia Cát Lượng chưa? Tuy lão Vũ kia không phun ra người khách ở Chợ Tạp Chí là ai, nhưng ta có thể đoán được đấy là một sếp sòng ở Quyên. Có thể là trưởng nhóm Khải Ninh".
Nói đến đây, Thức sực nhớ đến Dũng Khải Ninh và cái nét cười quái gở của hắn.
"Thật đau đầu." – Khanh Stein thở dài – "Tớ đã nói ta nên thôi vụ này, đừng có xen vào chuyện riêng của họ. Nhất là bọn có tiền".
"Chuyện riêng với chả chuyện chung, nghe này..." – Thức đi chậm lại – "...Niềm tin của tớ với người lớn có giới hạn lắm. Tớ thấy cái chuyện của tay Trần Vũ kia nó cứ khó tin sao sao ấy".
Ba khuôn mặt quay sang Thức. Cậu bình thản: "Các cử tọa không thấy thế à? Ừ, ta cứ tạm chấp nhận việc một người đàn bà vì có tiền và mê văn chương nên bỏ cả chồng con, tuy nó chẳng logic cho lắm ở tuổi ba mươi bảy. Hoặc có thể là do tớ dốt kiến thức về phụ nữ hồi xuân chăng? Nhưng các cậu có để ý không, Trần Vũ kể rằng mọi thứ mà madame Thu Hà viết từ năm hai mươi tuổi đã hóa thân theo ngọn lửa. OK! Nhưng nếu như vậy, những truyện ngắn mà Thu Hà gửi đến Cú Vọ, với đề tặng một người tên Phương là ở đâu ra? Vớt lên từ tro hay sao?"
Những câu hỏi của Thức một lần nữa thắp lên suy tư rối bời trong những cái đầu trẻ măng. Trên những mái tôn ngai ngái của bãi gửi xe khu tập thể, nắng đã lụi tàn. Một bóng hình thanh mảnh tựa búp bê Barbie trong màu áo chói chang, băng qua rất nhanh trong không gian đang phủ kín hoàng hôn bóng xế. Chỉ kịp để lại một ấn tượng sững sờ trong mắt Thức trước khi nàng búp bê mất hút trong dãy hành lang tăm tối.
"Ê, cậu có thấy không, đấy chính là.." – Thức giật giật cánh tay một người bạn, không biết là Mai Hạnh hay Hùng Panô.
Rồi không nói không rằng, cậu vụt chạy theo bóng hình khi nãy, mải miết nhảy cóc hai bước một trên vùng cầu thang sẫm sờ. Lên đến tầng năm, cậu nghe thấy dội xuống từ phía trên tiếng đanh đót của cánh cửa xếp, nối ngay sau đó, tiếng cót két của bản lề.
Khi tiến về cuối hành lang tầng sáu, cậu thấy cánh cửa văn phòng Cú Vọ đã bật mở, khép hờ. Tim đập rộn ràng, Thức bước chân vào căn hộ, không kịp bỏ giầy ra bên ngoài.
Ở phía trong, trên chiếc ghế salon xộc xệch, Hải Đường bình thản ngước lên nhìn Thức, nở một nụ cười trên môi tàn.
***
BLOG HẢI ĐƯỜNG
6/2016
"Từng ngày chôn chân nhớ phố lang thang"
(Trịnh Công Sơn)
(Trịnh Công Sơn)
Mì nhạt nhẽo. Hải sản cũng vậy. Tất nhiên mấy món này không thể có cái giá ngần ấy tiền. Nhưng tôi hiểu người ta không bán bữa trưa, mà bán cho tôi gió biển, bãi cát vàng sậm và những cuộn mây như một nùi dây chão khổng lồ cuộn về phía xa, nơi chân trời gặp gỡ mặt đất. Hòn đảo này mới chỉ ba năm không quay lại, đã đổi thay quá nhiều. Nhanh hơn cả lòng người.
Tôi mặc quần jean dài đến gót chân, một mẫu mã từ tận năm 2014 mà không hiểu sao tôi lại mang theo. Và để tương xứng với nó, tôi chọn một chiếc áo phông có cổ bẻ và đầu tư hẳn một tiếng đồng hồ vào buổi sáng để cân nhắc chuyện không trang điểm. Điều duy nhất khiến tôi không bị nhầm với con bé phục vụ ở cái trạm nghỉ chân ven biển này là tôi đã thuê một cái phản với giá 300 ngàn cho bốn tiếng đồng hồ sử dụng (tôi nghĩ là bọn bán quán hàng trên đảo này đang khinh thường đồng tiền của đồng bào ta). Tôi chỉ cần ngủ mà thôi. Tôi cần ngủ, ngủ giữa không trung xanh biếc, giữa gió lộng mơn man như được thổi ra từ một bài nhạc Trịnh. Ngủ để hít thở cái không khí tự do này, trên chiếc phản cũ kỹ này và trong bộ quần áo xâu xí này. Tôi không cần lội chân xuống biển, tắm táp hay chụp hình: cần quái gì cái cảm giác chẳng có gì đặc biệt ấy. Tôi đến đây không phải để tìm một người đàn ông bên ngoài mình, hay người đàn bà ở bên trong mình, mà để tìm một tôi khác: một tôi đã từng tồn tại.
Giá như không có đông đúc người như vậy, không loa đài ầm ào như thế, tôi sẽ ngồi yên trên cát nóng chờ thủy triều lên. Tôi nghĩ đấy là khung hình đẹp nhất tôi có thể có với bờ biển này. Thưởng thức nó vẹn toàn mà không cần máy chụp ảnh hay đau đầu nghĩ nội dung đăng lên facebook. Có lẽ tôi sẽ làm việc đó khi biển về đêm, còn rất nhiều thì giờ. Trong mấy ngày đầu trốn khỏi Hà Nội, tôi muốn làm những gì tôi thích một cách bản năng và tự nhiên nhất. Tất nhiên có một số thứ điều kiện khách quan không cho phép: chiều, tôi bỗng muốn đi uống cafe một mình, như ở Hà Nội. NHưng thuê xe di chuyển trên đảo này tốn tiền, mà quan trọng hơn, tôi lại rất lười: đi thêm vài kilomet, khéo cảm hứng lại rơi tuột đâu mất. Lựa chọn tôi đưa ra là quay về khách sạn mở tung cửa nẻo trong phòng. Ở đó, nảy ra một ý tứ, tôi xin mua lại một cuốn sổ tay của người phục vụ và viết bất kỳ điều gì tôi nghĩ ra. Đấy, con người ta chẳng bao giờ thảnh thơi cả, đứng yên thì chẳng làm sao nhưng cứ hễ bước một bước đi trên hành trình nội tâm của mình là ngôn từ lại tuôn ra xối xả. Đến mức, tôi nghi ngờ rằng chính những câu chữ tứa ra trong đầu tôi và được lưu dấu lại trong quyển sổ nhỏ này đang đánh lừa tôi, đang chiếm lấy đầu óc tôi, ly gián tôi khỏi những cái đích thực hơn.
Nhưng mà cũng chẳng sao hết. Kể cả nó có nhạt nhẽo như bát mì kia, tôi cũng vẫn tặc lưỡi và viết tiếp. Khi nào có thời gian, có thể tôi sẽ đăng chúng lên blog. NHưng chắc chắn không phải ở trốn này: tôi chỉ mang theo một chiếc điện thoại phổ thông và cái máy nghe nhạc rẻ tiền.
Ngay cả sim điện thoại tôi mang theo cũng là sim rác, chỉ để gọi điện trong trường hợp cần kíp. Và số máy duy nhất tôi lưu trữ là của Thức.
Tôi không lưu số Quân – người tình đầu tiên mà yêu tôi khi chưa có vợ. Không có lý do gì cả. Tôi đã thuộc về anh, nhưng đó là một tôi khác, không phải tôi của chuyến đi này. Chỉ là chuyện số máy thôi mà.
Hành trình của tôi chỉ là từ khách sạn ra biển và trở về. Một nơi tôi nghe thấy ồn ào trong lòng mình, còn một nơi thì tôi nhìn thấy sự yên tĩnh. Trong bình yên đó, tôi bắt đầu cầm bút. Bút chì. Vẽ. Tôi khởi động bằng những bức tranh tĩnh vật, bắt đầu từ cái ấm nước trong phòng khách sạn, tựa như những bài tập thi nhập môn hội họa. Ngay khi nhìn thấy những dải sáng tối dần hiện dưới ngón tay mình, tôi đã tưởng như có thể bỏ hết ngay, để bắt đầu luôn một bức tranh đích thực. Suýt nữa tôi đã làm như thế. Nhưng điều gì đó mách bảo tôi hãy kiên nhẫn mà hoàn thành màn khởi động. Xưa nay tôi đã vẽ bằng những cơn điên nhất thời, những mê loạn phút chốc, và hoàn toàn thiếu một kiên nhẫn tối thiểu. Bây giờ tôi chống lại điều đó.
Tôi không chịu đựng được khi thấy cái cổ trắng ngần của mình trong gương mờ nhà tắm, mấy cái thứ gương chân dung này nịnh nọt chẳng khác gương thần trong truyện nàng Bạch Tuyết (mà tôi nghĩ thật ra nó chỉ là gương thường thôi). Thì mấy ngày rồi biển mãi mãi chỉ ở xa xa phía trước: tôi có thèm ra ngoài nắng đâu. Tôi không chịu đựng được và tôi đã lôi thỏi son ra.
Giọng gã rất ấm áp, rất dịu dàng. Quen gã ở ngay quán ăn ngoài bãi tắm. Tôi biết những tình cờ giả tạo này có trong chủ ý của gã hết. Cái đắc ý của gã khi giữ được tôi trò chuyện bên sóng biển rì rào không thể giấu diếm được. Đó là cái phần trẻ con của đàn ông, thảy mọi gã đều như thế. Gã có lẽ đã 35 tuổi, thế mà vẫn tưởng rằng chỉ cần một lãng mạn đầy tính phim ảnh kiểu này là đánh lưới được phụ nữ. Gã khinh thường gái trẻ quá (à mà tôi còn trẻ trung gì nữa đâu). Nhưng cái điệu bộ gật gù của gã quá ư ngọt ngào. Và gã, dẫu không tài tử, nhưng sở hữu một hơi thở dồn dập khác thường. Hãy nghe mà xem, tựa như gã đang ở sau lưng tôi, phả vào gáy tôi, chiếm lấy tôi bằng một cay nồng và tàn bạo. Nói chung, gã quyến rũ quá sức. Tôi uống rượu, cho phép gã lừa mình. Cho phép ta được thưởng thức vở kịch của gã, ngay từ trên sân khấu. Yên tâm đi, tôi kiểm soát được mọi thứ. Nếu không tôi đã chẳng ngồi đây viết ra những dòng chữ tĩnh lặng này.
Chỉ là tôi không muốn sáng ngày hôm sau phải thức dậy bên một cơ thể xa lạ. Cởi ra, rồi mặc lại, ăn sáng bằng ánh nhìn chê chán của một thằng đàn ông lực điền. Điều đó rất mệt nhọc, rất ngu ngốc, rất mất thời gian. Vì thế tôi ra về trước khi say, bắt lấy cảm xúc trào vọt trong cái cương quyết của mình. Tôi cần những thứ mạnh mẽ như thế. Tôi cần chúng để vẽ.
Có thể phần khởi động quá lâu dài, tôi đã sớm mệt mỏi. Nếu biết thế, tôi đã quăng bút chì và pha màu nước ngay vào đêm hôm đó.
Tôi có đẹp không? Mà sao tôi lại viết ra cái câu này....
Tôi đã ở đây được hơn năm ngày: bắt đầu có những ánh mắt. Tôi đã nhận ra rằng mình không sao thoát được những cặp mắt - những cặp mắt của đàn ông, hình như tôi sinh ra là để sống ở trong vây bủa của chúng. Tôi thấy mình bé lại giữa hòn đảo mênh mông, ngay ở đất trời mà chỉ mấy ngày trước còn âu yếm chở che cho tôi. Mọi cử chỉ của tôi bắt đầu lúng túng, mọi đi đứng nói năng của tôi bắt đầu thiếu tự nhiên đi nhiều. Những đêm, tôi nghĩ về tháng ngày sắp tới, về tiền, về cuộc hôn nhân sắp được ấn định với Quân. Và tôi đâm ra hoảng sợ: những ra mắt, những chào hỏi, những dạ vâng, những bếp núc, những tã lót, những giới hạn, những cách biệt phân chia khỏi thế giới cũ. Cả mỡ bụng nữa, có thể. Đêm thao thức là một cực hình, lúc đó người ta yếu thế đến mức có thể sợ những cái mà ban ngày chỉ là những đe dọa hết sức tầm thường. Tôi phung phí tuổi trẻ và bây giờ tôi sắp phải trở thành con Nga con Tú trong đám bạn mình, hoặc (nói đâu xa) chị gái của tôi với hạnh phúc lớn nhất là sắm được cái nôi phù hợp mà tiết kiệm. Giá vẽ còn nguyên cuối chân giường. Tôi sắp thành con Nga con Tú rồi, khi ấy hội họa là điều nực cười... Giá như tôi còn nhiều năng lượng, chân tay tôi không vô ích thế này...
Chính biển này là nơi tôi đã vẽ bức tranh ấy. Kiệt tác duy nhất của tôi đang treo trên văn phòng Cú Vọ, ái chà... Cậu bé con người Thái Lan đứng hãi hùng trước biển động, đẹp đẽ đến kinh ngạc. Tôi vẽ nó ra bằng ký ức. Có lẽ tôi thuộc loại họa sỹ từ trước thời có máy ảnh. Ngày hôm nay không còn một đẹp đẽ tinh khôi nào xung quanh tôi nữa. Thế giới cũ đi nhiều. Có lẽ vì thế tôi bất lực với cây cọ, tôi loay hoay với bút vẽ. Hoặc chính tôi đã ít săn lùng ít dò dẫm vào bên trong mình hơn, chính tôi chiều chuộng mình trong cái thế giới mà tôi luôn chắc chắn rằng tôi thuộc về, không một sực tỉnh, không một hỏi han.
Tôi đã biến dạng, có lẽ thế, không còn là tôi nữa. Và đó là lúc tôi phải ra đi, lòng tôi trống trơn như giấy vẽ.
***
"Đừng có vây lấy tôi như thế chứ mấy ông con trai." – Hải Đường bật cười nhìn những ánh mắt vừa hiếu kỳ, vừa tỏ ra nghiêm trọng xung quanh mình.
"Tôi nói cho nàng biết, nàng đã biến mất trong lúc mà cả nhóm đang thiếu nhân lực và tinh thần." – Thức nhíu mày – "Suýt nữa thì gia đình nàng tưới xăng vào cái căn hộ này".
"Mà cậu đã đi đâu vậy?" – Mai Hạnh hiền lành.
"Tớ bị bắt cóc." – Hải Đường nghịch nghịch thỏi son trên tay.
"Đừng đùa nữa." – Hùng Panô hắng giọng – "Cả thế giới đã gọi cậu phải đến hàng triệu cuộc. Tất cả mọi người đều lo lắng".
"Tớ xin lỗi." – Hải Đường thản nhiên – "Tớ chỉ định chuồn đi mấy ngày cho khuây khỏa. Giống như người ta vô hiệu hóa trang cá nhân thôi".
"Khuây khỏa bằng cách dội nước sôi vào chân mọi người?"
Hải Đường cười gượng như biết mình đang nói ra một điều vô lý: "Chẳng mấy dịp người ta được trải nghiệm những chuyện như vậy. Vả lại trước khi đi tớ cũng nhắn cho gia đình, chẳng qua họ không đọc thôi".
"Thôi được, tớ chịu. Cậu thích theo mốt biến mất để thấy mình tồn tại như trong một bài viết mười mấy ngàn like của Cú Vọ thì cứ việc." - Hùng Panô hừ mũi – "Nhưng cậu nên về nhà đi, về nhà mà xem bà mẹ nước mắt ngắn nước mắt dài".
"Mẹ tớ xé xác ra thì có." – Hải Đường so vai – "Tớ vừa từ nhà ra đây".
"Còn nguyên lành, xinh đẹp thế này là mừng rồi." – Thức nói.
Và cậu không đùa. Trước mắt cậu, Hải Đường vẫn đẹp rạng rỡ. Thậm chí còn đẹp hơn cả lúc trước kia. Tóc cô đã dài hơn và được búi lại sau vai một cách giản dị. Vẫn là đôi mắt dài, ướt át, biêng biếc mê đắm. Chỉ là môi son có nhòe nhạt đi nhiều, nhưng chính điều đó lại làm Hải Đường trông dịu hiền quá thể. Đó mới chính là Hải Đường của một ngày tươi vui, của một buổi sáng đi nhanh, một buổi chiều qua chậm, Hải Đường của một điều bình dị thân thuộc, Hải Đường của những đường hoa lối mộng quãng đời tuổi trẻ; không phải Hải Đường trong câu chuyện sặc mùi tâm sự Eva từ miệng của gã Quân Béo. Thức biết rằng trong cậu đang có một xao động lạ kỳ.
"Gã người yêu cậu tìm cậu đấy." – Thức nói, tránh nhìn vào đôi mắt đẹp kia.
"Người yêu nào kia?" – Hải Đường lộ rõ vẻ ngạc nhiên.
"Thôi nào, gã Quân béo ấy".
Thức mong cô bạn sẽ ôm đầu rên rỉ rằng mọi chuyện chỉ là bịa đặt, chỉ là một thêu dệt nhảm nhí hết sức của một người bệnh tưởng nào đó. Thế nhưng Hải Đường lạnh lùng xác nhận cái thông tin quan trọng nhất.
Cô nén tiếng thở dài: "Không còn là người yêu nữa rồi. Đó là chồng sắp cưới của tớ".
Vậy là mọi nghi ngờ, khúc mắc trong Thức đã được dẹp yên một cách tàn nhẫn.
Thức nhìn Hải Đường như thể cô vừa ném hạt nhãn vào người cậu: "Gã đó cũng kể với tụi này mọi chuyện rồi. Chuyện những gã bồ của cậu, chuyện cậu đến với Cú Vọ. Tất tần tật... Cả chuyện mọi hợp đồng quảng cáo của Cú Vọ đều là do..."
Hải Đường ngắt lời: "Dù sao thì cái hợp đồng đó cũng cắt rồi. Bỏ qua đi Thức, tớ chẳng còn dính dáng gì nữa".
Sau những giải trình ngắn gọn mà Hải Đường không làm gì khác ngoài việc mệt mỏi xác nhận những lời kể của gã Quân, các chàng trai Cú Vọ tản mác ra về, chỉ còn Hải Đường ngồi yên ắng suy tư. Có lẽ một luồng suy nghĩ nào đó đang chập chờn, rộn rã trong trí não của cô. Cô chẳng phải họa sỹ mà giống một người đang làm mẫu vẽ tranh hơn với những tâm tình bí ẩn, riêng rẽ, khép kín mà chỉ có những nét cọ tài hoa mới tìm được lối đi vào. Đọc xong Blog Hải Đường, Thức ngồi xuống bên cạnh cô và trong một thoáng giây phút nổi máu trữ tình bất chợt, Thức tưởng tượng mái đầu của cô nhẹ nhàng trên vai mình. Nhưng cậu lập tức xua ngay hình ảnh đó đi, trước khi nó dẫn đến những liên tưởng xa hơn.
"Rời đảo Minh Châu, Hải Đường đã đi đâu vậy?" – Thức hỏi, trong tư thế ngồi của một người tư vấn thủ tục hành chính. Hùng Panô vừa đi đâu đó, sẽ quay lại ngay nên Thức tránh những cử chỉ và biểu hiện của một cuộc nói chuyện riêng tư thân mật.
"Phố." – Hải Đường tươi tỉnh – "Một thành phố nhỏ, đông người, khỏe khoắn".
"Vậy còn hôm trước khi đi, cậu đã hẹn ai ở Những Đứa Con Của Cá Mập".
"Sao cậu biết?"
"Thằng Dế Mèn kể".
"Ôi ôi..." – Hải Đường than thở như thể vừa dính phải bã kẹo cao su – "Đó là John Bảo Lộc. Cuộc hẹn cuối cùng để chia tay, nhưng anh ta đến quá muộn".
"Bao giờ thì Hải Đường cưới?"
Câu hỏi của Thức dường như đột ngột. Nhưng chính cậu lại ước mình đang ngồi đối diện để chứng kiến những bối rối, ngại ngùng trên gương mặt cô bạn.
"Hai tháng nữa." – Hải Đường nặn ra một nụ cười – "Riêng các bạn trong Cú Vọ được miễn phí phong bì".
Thức lờ đi lời bông đùa: "Hai tháng nữa. Như thế là chúng mình đang dần rã đám".
"Cậu làm sao vậy Thức?" – Hải Đường nghiêng đầu – "Hôm nay cậu nói chuyện rất lạ..."
"Thức của hôm trước chuẩn bị tan rã theo Cú Vọ rồi".
"Xin cậu đấy." – Hải Đường huých khuỷu tay vào hông Thức – "Trêu tớ đi. Đùa một câu gì đó đi, đùa vô duyên vào".
"Tớ sẽ không dự đám cưới đâu vì tớ sẽ lỡ tay đấm gãy mũi thằng cha Quân béo".
"Cái đó thì vô duyên quá." – Hải Đường nhoẻn cười. Nhưng rồi một muộn phiền khó hiểu nhanh chóng trở lại xâm chiếm cô.
"Luôn luôn có những thời như thế, gặp nhau rồi ly tán." – Hải Đường nói – "Tuổi trẻ nó thế mà. Và những dịp như thế còn lặp lại dài dài. Tớ quen rồi Thức ạ, chỉ là lần này tớ đi vào đường một chiều. Giống như hồi 3 của các vở kịch, sẽ không còn nhân vật mới nào nữa."
Thức nhìn Hải Đường qua khóe mắt: "Tại sao Hải Đường lại làm tất cả vì Cú Vọ, vốn không phải cái đam mê?"
"Để mua một hạnh phúc, của tuổi trẻ và của sự đồng hành." – Hải Đường nhún vai.
Trong giọng nói của Hải Đường có điều gì đó mà Thức không tin được.
"Thu Hà cũng muốn mua những thứ đó. Nhưng rẻ hơn nhiều. Chỉ 800 Đô la." – Thức mỉa mai.
"Thế nghĩa là sao?"
Thức thuật lại cho Hải Đường về những điều đã xảy ra từ ngày cô đi vắng: vụ cướp ba lô trên xe buýt, người đàn ông tên Trần Vũ. Thậm chí cả những nghi hoặc trong lúc bối rối, về việc sự biến mất của Hải Đường có dính dáng đến tạp chí Quyên.
Bỗng nhiên Hải Đường tròn mắt như sực nhớ ra điều gì đó.
"Phải rồi, tớ có đến Chợ Tạp Chí ngày hôm qua." – Hải Đường vỗ vỗ trán – "Tớ đãng trí quá rồi".
"Cậu mò ra đó làm gì?".
"Đấy luôn là nơi tớ đến đầu tiên khi về Hà Nội" – Hải Đường khẽ lắc đầu – "Hôm qua ở đó có một bộ Quyên ký gửi. Đúng lúc tớ ở đó, có một người đến mua nó".
Thức bàng hoàng: "Ai vậy?"
Hải Đường tủm tỉm: "Một người quen đấy. Tớ đã trò chuyện với người này và nhanh tay đặt một lịch hẹn".
Đúng lúc ấy, Hùng Panô lạch cạch xuất hiện ở cửa với những túi đồ thực phẩm trên tay. Anh nhìn Hải Đường, giả vờ nghiêm nghị: "Mười mấy ngày rồi các anh em đã nhịn món miến gà, nữ đầu bếp nhé".
Đã qua chuỗi ngày dài khói trắng rơm rạ buông kín một vùng ven đô. Những cảnh vật được trả lại màu, những quán hàng uể oải đón bình minh muộn, những trẻ con nhớn nhác bắt đầu đến các lớp học hè.
Một ngày hạ chí, bên dưới triền đê dài như chiếc thước kẻ đóng vai trò làm trục tọa độ cho thành phố, năm người bạn trẻ những tưởng mình đi ngược đường, hay có lẽ vừa vô ý bỏ quên mất một địa chỉ nhỏ nhoi nào. Họ vòng đi vòng lại trong khoảng 1km và làm những quý ông chơi cờ ven đường trở nên tức mắt.
"Đánh số nhà lộn xộn không khác gì khu tập thể của tụi mình." – Thức hậm hừ trong mũi. Và cậu ước tính chỉ mười lăm phút nữa thôi, nắng sẽ dát vàng cả con đường.
Nhưng cuối cùng bằng một may mắn, họ đã tìm ra nơi cần đến. Giữa những nhà cửa mong manh vắng lặng xung quanh mọc ra một căn nhà nhỏ hiếm hoi sở hữu một cổng tre và khoảng sân nhỏ bày biện đủ loại hoa lá, y như một tiệm cây kiểng. Một chậu Lan quế trắng bên cổng bị quật đổ, và biển số nhà gắn trên mép tường cũng bị bẻ cong. Có lẽ do thói quen phá phách của một lũ bợm nhậu nào đó đến từ chợ hoa Nghi Tàm.
"Nó nói cái quái gì đấy?" – Hùng Panô chỉ tay vào con chim yểng đen mượt có đôi mỏ màu cam hót inh ỏi trước cổng nhà.
"Một ngàn phiếu cho cánh hữu!" – Thức chép miệng – "Con vật này tỏ ra bất đồng với chính sách thắt lưng buộc bụng của chính phủ Francoise Holland".
"Tầm bậy!" – Hải Đường phì cười – "Nó nói bán nhiều đừng mua chịu! Mấy cửa hàng hay dạy cho bọn vẹt khướu câu này."
"Khác gì nhau đâu!" – Thức nhún vai.
Khoảng sân không nhỏ như ấn tượng ban đầu, hóa ra cái mặt quay ra trước phố lại là rìa bên của căn nhà. Kiểu nhà một gian hai chái cổ điển. Có một lối nhỏ đi vào trong, phủ đầy những thảo mộc. Một đôi mắt mộng du lấp ló phía sau đám lá phong lan xum xuê. Khi gặp năm người khách rụt rè tiến vào, người đàn ông này co rúm người lại, toan quay vào nhà.
"Xin chào bác, đây có phải là nhà của..?" – Hải Đường dịu dàng.
Những tiếng chào ăn theo lác đác từ phía sau. Người đàn ông phóng những tia nhìn trắng dã về phía Hùng Panô. Và trân trân yên lặng tựa như người ta bật dậy giữa đêm khuya.
Hải Đường lặp lại câu nói lần thứ hai.
Nỗi hoảng sợ khó hiểu loang ra trên khuôn mặt người đàn ông. Run run tay chân, ông chậm chạp quay vào trong nhà, mất dạng sau cánh cửa cọt kẹt. Những người bạn nhìn nhau. Mai Hạnh nói khe khẽ: "Có chắc đến đúng địa chỉ không đấy?".
"Vào đây các cháu!" – Giọng ấm áp tiến ra từ vùng tối bên trong gian nhà. Một người đàn ông khác với mái tóc bạc điềm đạm. Trang phục Jean trẻ trung và lịch sự, cả dây chuyền và đồng hồ to bản, tạo cảm như thể chính ông đang làm khách trong nhà mình.
"Chú Lê Dương!" – Hải Đường mừng rỡ.
"Vào đây chơi nào! Chúng ta đang có một vị khách đặc biệt." – Lê Dương nháy mắt – "Người quen cả đấy".
Hoàn toàn đồng nhất với bên ngoài, nội thất của căn nhà hầu như làm từ gỗ mun sáng bóng. Chỉ khác rằng nó có vẻ nhiều gian hơn so với tưởng tượng. Các bức tường bong tróc, nhưng có lẽ là cố ý để hợp với những bức tranh màu nước vẽ chân dung của các nghệ sỹ lớn. Trung tâm căn nhà: một tủ chè giản đơn, một bàn nước cỡ lớn, tất cả đều hợp từ những nét thẳng, vững chãi, không khảm đẽo bất cứ hình thù nào. Những bàn ghế trống trơn, không có bất kỳ đồ vật nào lạc bầy, gầm bàn cũng không, thậm chí những giá sách con cũng hoàn toàn trơn nhẵn. Sự giản tiện lên đến đỉnh cao và cực đoan.
Nhưng hai yếu tố lạc loài nhất trong gian nhà lại là hai yếu tố gây cảm xúc mạnh mẽ nhất cho nhóm Cú Vọ: Mộc Miên, với áo váy buông chùng trên trường kỷ; và chồng tạp chí Quyên vuông vắn bên ấm trà màu xanh ngọc.
"Hơi nồng quá mất rồi!" – Mộc Miên chép miệng sau khi nhấp một ngụm trà nhỏ.
"Cô có khiếu thưởng thức hơn ngày xưa rồi đấy." – Lê Dương cười khà – "Tôi trót dùng nước quá nóng!"
Thức chỉ mất gần một giây để xác định hương vị và những gì vẫn được cho là sẽ dậy lên tận mũi của món Trà Sen Tây Hồ. Kết quả: chẳng có vị gì, hương cũng không. Cậu chậc lưỡi uống cạn chén trong một ngụm, rồi đảo mắt nhìn bốn người còn lại đang thưởng thức hít hà niềm kiêu hãnh của địa phương, mà cậu đoan chắc là làm bộ làm tịch.
"Vẫn trứ danh chú ạ!" – Hải Đường xuýt xoa – "Một phiên bản nâng cấp của shan tuyết".
"Nó được ướp từ chính trà shan tuyết. Nhưng không khéo léo nên vẫn dễ dàng nhận ra." – Lê Dương gật gù.
"Nhưng các em biết không, trà là một thứ tác phẩm mang tinh thần cá nhân!" – Mộc Miên nói – "Và chúng mình đang được uống một món hết sức đặc biệt".
"Của em trai tôi làm đấy!" – Lê Dương trầm tĩnh.
Hùng Panô ngó nghiêng gian nhà tăm tối phía sau lưng. Cảm giác có một tia nhìn rình rập từ phía ấy.
"Em trai chú có phải là chú khi nãy...?"
Lê Dương gật đầu xác nhận: "Ông ấy có làm các bạn trẻ sợ không đấy?"
"Cháu e là ngược lại. Tại tụi cháu không gọi cửa..." – Hải Đường nói.
"Ông ấy không có khả năng giao tiếp." – Lê Dương với nét mặt thoáng một tâm sự - "Việc duy nhất ta dạy ông ấy kiên nhẫn làm được là ướp trà sen. Các cháu đang uống những gì được làm ra từ bàn tay người điên loạn. Có lúc vô cùng chăm chút, có lúc thì hỏng hết cả. Nhưng cũng may ta không phải hạng khó tính trong uống trà..."
Rốt cục, Thức vẫn không cảm nhận được bất cứ phong vị nào. Cậu sốt ruột nhìn Mộc Miên hỏi:
"Sao chị lại quen chú Lê Dương vậy?"
"Chính em giới thiệu Lê Dương với chị, nhớ không? " – Mộc Miên giọng giễu cợt.
"Em hỏi thật lòng mà." – Thức cười khổ sở.
"Đây là sếp cũ của chị." – Mộc Miên đá mắt sang Lê Dương – "Trưởng ban Nhân sự tạp chí Quyên!"
Những người bạn trẻ, đặc biệt là Mai Hạnh hoàn toàn bị bất ngờ bởi lời giới thiệu.
Lê Dương cười nhạt: "Chức vụ lớn nhất mà tôi từng giữ trong đời đấy. Nói thực không tình cờ gặp các bạn trẻ này đi sưu tầm Quyên, thậm chí tôi cũng quên mất sự tồn tại của nó".
Sau đó, bằng một cử chỉ chào mừng, Lê Dương hào hứng sẵng giọng: "Giới thiệu với các bạn đây chính là Quyên mà các bạn vẫn tìm. Cuối cùng chúng đã quay về với ta".
Lê Dương nhẹ nhàng gỡ chồng tạp chí, bày chúng ra trước mặt các vị khách hệt như người ta giới thiệu những bằng cấp và huân chương. Tuy nhiên, chỉ trừ Hải Đường, bốn chàng trai Cú Vọ tập trung vào việc xác minh xem đó có phải là những quyển tạp chí mua từ Dũng Khải Ninh và bị Trần Vũ cướp mất hay không.
"Bộ này thiếu bốn quyển. Chính là bộ mà lão Sâm bán cho Dũng Khải Ninh." – Hùng Panô nói khi đánh mắt về phía Thức.
"Cậu bé tinh đấy!" – Lê Dương gật gù – "Nhưng nói chính xác hơn nó đã từng là sở hữu của Dũng Khải Ninh trong cái vòng mua đi bán lại của nó".
"Cháu có một thắc mắc." – Giọng của Mai Hạnh – "Tại sao chú không tìm Dũng Khải Ninh để mua lại trực tiếp bộ sách này?"
"Về cơ bản ta có quá ít lý do để làm thế." – Lê Dương trầm ngâm – "Và hơn nữa, Dũng Khải Ninh không xứng đáng kiếm chác bằng tạp chí này, lại bằng chính tiền của ta. Cho dù là ta có thừa tiền đi chăng nữa".
"Cháu không hiểu?"
"Dũng Khải Ninh từng là thành viên của ban biên tập tạp chí, các cháu biết chứ?"
Mấy cái đầu cũng gật. Lê Dương liếc nhìn họ, rồi đáp ánh mắt xuống ấm trà:
"Nếu nói một cách rạch ròi và nghiêm trọng, tay Dũng là kẻ phản bội trong nhóm làm việc của tạp chí. Chính gã gây sức ép với Ngọc Tầm, quay lưng với tạp chí khi nó gặp vấn đề và định lợi dụng các vụ lùm xùm để nổi danh. Khi rời khỏi Quyên, chính Dũng Khải Ninh chấp bút cho những bài báo mà gã gọi là vạch rõ chân tướng của Quyên".
"Cháu nghe nói, vì Quyên đi lệch khỏi ý tưởng ban đầu, làm các cây viết trẻ thất vọng."
"Dũng Khải Ninh nói vậy phải không?"
"Vâng".
"Và hắn có bảo rằng Quyên định nắm đầu tư tưởng giới trẻ thay vì định hướng học đường?"
"Hoàn toàn đúng ạ".
Lê Dương trầm tư trong giây lát. Mái tóc bạc ánh lên trong tương phản với không gian của nước vécni gỗ. Nếu có một điếu thuốc ở đây, chắc chắn trông ông sẽ quyến rũ lạ kỳ.
"Có điều sai và có điều đúng." – Lê Dương nói – "Tuy nhiên Dũng Khải Ninh đã hành động một cách kém cỏi".
"Dũng Khải Ninh còn tiết lộ sẽ làm điều gì đó với tư liệu Quyên có trong tay." – Thức thảy ra một thông tin mang tính thăm dò.
Lê Dương tặc lưỡi: "Gã nghĩ rằng sau hai mươi năm sẽ nhìn ra được nhiều thứ để khai thác hơn. Mà ta cũng đang chờ điều đó đây. Ta đang cần một người nhắc lại danh tiếng của Quyên khi xưa".
Nhìn những nét mặt với nhiều cảm xúc, băn khoăn pha trộn ở những người trẻ tuổi, Lê Dương bật cười, xua tay: "Đấy chỉ là chuyện quá khứ thôi. Hôm nay ta mời các cháu đến chơi bởi sự quan tâm cảu các cháu đến bộ tạp chí này. Quả là bất ngờ cực kỳ lớn. Như ta đã nói, chính ta cũng có lúc quên mất nó. Ta muốn thông báo cho các cháu một tin vui..."
Mộc Miên tiếp lời: "Chú Lê Dương và chị sẽ đưa Quyên vào một mục trong dự án triển lãm Nét Xưa của Boundaries Space. Để kỷ niệm hai mươi năm ra đời tạp chí này, tính từ Hạ chí năm 1996. Đó là cơ hội để tìm gặp lại những người đã từng cộng sự với nhau..."
"Một thời tươi đẹp" - Lê Dương mỉm cười nhìn Mộc Miên như trong một bài hát song ca – "Ta nghĩ trong cuộc đời lộn xộn của mình thì thời kỳ thực hiện dự án Quyên là những ngày đẹp nhất. Như một bữa rượu ngon với đầy đủ những bay bổng và thái quá của thời tuổi trẻ".
Thức cố gắng tìm cách cứu vớt những thắc mắc của mình đang sắp bị chìm xuống giữa không khí hứng khởi của hai người "cựu thanh niên".
"Thưa chú, vậy liệu có thể..." – Thức hỏi, hy vọng thúc đẩy câu chuyện – "...Tìm lại những người đã không còn liên lạc nữa. Như Ngọc Tầm chẳng hạn".
"Chúng ta đều muốn qua sự lan tỏa của truyền thông, một ngày không xa có thể gặp lại nhà báo Ngọc Tầm. Nhưng cũng không nhiều hy vọng. Cháu biết đấy, phải đến bốn mươi phần trăm số ca sỹ, diễn viên từng chiếm sóng trên ti vi những năm 90, bây giờ cũng không biết tung tích. Một khi họ đã đi xa khỏi đất nước hoặc không chịu xuất hiện với công chúng và một khi họ thấy rằng sự lãng quên của mọi người chiều chuộng họ tốt hơn... Cháu có xem phim 12A và 4H chứ?"
Trong lúc Thức nặn ra một câu hỏi khác nữa thì Mộc Miên bổ sung: "Biết các em có ham thích tìm hiểu và sưu tầm bộ tạp chí này, chú Lê Dương và quyết định scan lại và in nó ra tặng các em".
Một túi quà được đưa ra trước mặt năm người bạn, chứa một đĩa DVD với bìa được thiết kế dựa theo bìa số đầu tiên của Quyên. Mùi hương dễ chịu lan tỏa từ phía bên trong chiếc túi. Hùng Panô đón nhận với một cái cúi đầu lịch thiệp.
"Thời bây giờ không còn phải đối mặt với sự hỏng hóc, mối mọt của giấy tờ nữa. Trong tương lai xa, ta nghĩ là trung tâm lưu trữ tư liệu sẽ thu hẹp diện tích chỉ bằng một hàng phở" – Lê Dương hào sảng – "Ta còn hy vọng món quà điện tử này sẽ mang lại cho Quyên thêm một lớp độc giả mới. Sưu tầm sách vở như các cháu là một thiện tâm, ở bất cứ lứa tuổi nào".
Mộc Miên cười: "Bây giờ các em đã có đủ tư liệu cho bài viết rồi nhé".
Thức nhận ra rằng Lê Dương đã hiểu nhầm về cái gọi là thiện tâm của Cú Vọ. Nhưng chẳng lẽ cậu lại trình bày rằng Cú Vọ không hề có ý định sưu tầm hay nghiên cứu gì về Quyên? Tất cả chỉ vì tiền, vì những tặc lưỡi, những gật đầu vội vã, bạt mạng. Cậu ngó sang Hùng panô, chờ anh phát biểu gì đó. Rồi ngó sang Hải Đường, hy vọng về sự khéo léo tinh tế của cô. Rồi sang Khanh và Mai Hạnh vì sự vô tư của cả hai.
Cuối cùng, Hùng Panô nói, rụt rè: "Cháu rất cảm ơn. Nhưng thực sự hôm nay tụi cháu đến để...hỏi mua lại Quyên".
Lê Dương gật gù: "Ta biết rằng bao giờ bản gốc cũng là ưu tiên số một. Đó là đạo đức của bọn sưu tầm sách. Nhưng ta rất tiếc không thể bán lại cho các cháu".
'Chúng cháu chỉ mua lại một số cuốn thôi ạ." – Thức sốt sắng.
"À, điều này thì lại càng khó. Bởi vì tạp chí không thể lẻ bộ được".
"Tụi cháu sẽ đợi đến khi triển lãm kết thúc để mua lại." – Hùng Panô đề xuất.
Lê Dương ngẫm nghĩ một lúc, rồi nói: "Cảm ơn các cháu về sự nhiệt tình. Các cháu đang nâng giá trị của Quyên lên hàng quý hiếm. Nhưng ta vẫn không thể giúp được. Vì đó là bộ tạp chí của ta đã giữ gìn và bảo quản rất kỹ trong suốt hai mươi năm".
"Chẳng phải là chú mua lại chỗ này từ Chợ Tạp Chí sao?" – Hải Đường kinh ngạc.
"Trước đó nó là của ta." – Lê Dương giải thích – "Tay Sâm nhân lúc ta ở Đà Nẵng đã mua lại chỗ này từ con trai ta, tuồn nó vào trong một đống sách ít giá trị khác. Mà con trai ta thì không được như các cháu, nó chẳng biết tí gì về sách vở. Nó chỉ ở đây chăm sóc chú nó trong khi ta đi vắng. Cháu biết đấy, em trai của ta... Hôm sau ta gặp hắn thì hắn đã bán mất chúng và vờ như không biết gì, thậm chí còn bịa chuyện mua từ sách vỡ tủ. Ta cũng mặc kệ hắn, hôm đó các cháu ở đó đều biết rồi đấy. Sau đó bộ tạp chí này đến với Dũng Khải Ninh, ta tưởng số phận bắt nó phải như vậy cho đến khi tình cờ gặp các cháu ở chỗ lão Sâm. Ta bảo các cháu tìm Dũng Khải Ninh vì ta nghĩ nếu các cháu thực sự nhiệt tình trả giá tốt, kiểu gì gã con buôn đó cũng không giữ mấy quyển tạp chí cũ này làm gì cả. Ít ra Quyên cũng đến với những người sưu tầm trẻ".
Pha thêm một tuần trà mới, Lê Dương tiếp lời: "Ta may mắn vì một người gọi điện cho ta và nói rằng để lại bộ tạp chí mà không lấy một đồng nào. Ta chỉ phải trả phí ký gửi cho Chợ Tạp Chí." – Lê Dương nhấp một ngụm trà nguội – "Anh ta giấu danh tính, nhưng chắc có liên hệ với Dũng Khải Ninh vì anh ta nói rằng mua bộ tạp chí từ Dũng".
Hùng Panô tròn xoe mắt: "Không phải đâu chú ạ. Chính bọn cháu mới là người mua lại Quyên từ Dũng Khải Ninh".
Đến lượt Lê Dương bất ngờ: "Chính các cháu?".
"Đúng là bọn cháu ạ." – Thức nhìn thẳng vào mắt Lê Dương, báo hiệu rằng giai đoạn quan trọng nhất của mọi cuộc thương lượng đã bắt đầu – "Bọn cháu đã phải trả hơn năm triệu đồng để đoạt lại chúng từ tay Dũng Khải Ninh. Trước khi nó thuộc về người đàn ông giấu tên mà chú nói. Người này tên là Trần Vũ".
Lê Dương và Mộc Miên nhìn nhau.
"Có phải Trần Vũ của nhóm bút Khải Ninh? Anh ta cũng từng đến tìm chị hỏi về Tạp chí" – Mộc Miên hỏi – "Các em có gặp trực tiếp người này không?"
"Hơn cả trực tiếp ạ!" – Thức mếu máo nhớ đến cái dáng đòi nợ thuê của gã đàn ông.
"Làm sao anh ta biết mà mua lại từ các cháu?"
Mọi người nhìn Mộc Miên. Cô xua tay: "Không, tôi gặp Trần Vũ Khải Ninh chỉ trong vài phút chỉ nói chuyện qua loa và không tiết lộ gì về các bạn trẻ này".
"Không phải là Trần Vũ mua lại tạp chí từ bọn cháu. Chuyện là như thế này chú ạ..."
Thức hít một hơi thật sâu. Rồi đi ra từ luông hơi đó, là Thu Hà, là chiếc phong bì 800 USD, là vụ cướp trên xe buýt, là câu chuyện về vợ chồng Trần Vũ – Thu Hà và đam mê văn chương kỳ lạ của người vợ (mà đến giờ Thức vẫn hoàn toàn chưa tin hẳn).
"Bọn cháu xin lỗi vì thật ra bọn cháu làm vụ này chỉ vì thỏa thuận với Thu Hà..." – Thức thú nhận.
"Không sao đâu. Phải nói các cháu cũng góp phần giúp nó trở về đây." – Lê Dương khoát tay – "Thời trẻ ta cũng có nhiều phi vụ vui vui như thế đấy. Lần đầu tiên nhận lăng xê cho một doanh nghiệp, bọn ta hào hứng làm cứ như là luận văn thạc sỹ vậy".
Thức thở phào. Hùng Panô băn khoăn: "Chú có biết nhân vật Thu Hà này không ạ?".
"Hồi đó cô bé rất tích cực gửi bài cộng tác. Một độc giả tích cực hiếm hoi được chúng tôi ưu tiên." – Lê Dương nói – "Quyên lẽ ra không có chủ trương nhận cộng tác. Nhưng theo đề nghị từ những người làm biên tập của nhóm Khải Ninh thì thi thoảng vẫn dành đất diễn cho cô bé đó trong các số vào cuối tháng".
Đó là các số có bìa màu tím. Thức tự nhủ.
"Cây bút Aurora của chị là do Thu Hà tặng người cộng sự cùng tên. Sau đó, trước khi rời toà soạn, Thu Hà tặng lại cho chị." – Mộc Miên nói.
"À ta đã hiểu." – Lê Dương gật gù – "Là các bạn trẻ này muốn mua lại mấy số có tác phẩm của Thu Hà để gửi cho cô bé đó".
Mấy cái đầu cùng gật, hy vọng. Nhưng Lê Dương vẫn giữ một thái độ dứt khoát: "Ta rất tiếc không thể bán lại được cho cô ấy".
"Nhưng ta có một món quà mà chắc chắn Thu Hà sẽ thích." – Lê Dương giơ một ngón tay – "Xin đợi ở đây".
Người đàn ông tóc bạc lịch kịch đứng dậy và đi về phía gian nhà bên mặt đường. Phải mất đến mười lăm phút nhấp nhổm, Lê Dương mới quay lại. Thêm một túi quà y hệt như hồi nãy thảy ra trước mặt những người bạn. Bên trong: một hộp giấy cỡ lớn, với chất liệu sần sùi.
"Đĩa DVD hả chú?" – Hải Đường tò mò.
"Hay hơn thế." – Lê Dương không giấu niềm thích thú – "Thu Hà có duyên đấy. Ta có thói quen hết sức lẩm cẩm là lưu giữ những món đồ kỷ niệm, để thi thoảng lôi ra ngắm vuốt lại".
Chừng như đoán định trong mắt những bạn trẻ vẫn còn nỗi luyến tiếc, Lê Dương dặn dò thêm: "Các cháu phải để Thu Hà tự tay mở món quà này. Vì nó chỉ có ý nghĩa với mình cô ấy mà thôi. Ta đảm bảo nó thay thế được tạp chí Quyên. Và dặn cô ấy đến thăm buổi trưng bày của Mộc Miên. Thu Hà xứng đáng được chào đón. Và chúng ta cũng phải chịu trách nhiệm cho ấn tượng mình trót tạo ra cho các độc giả như cô ấy".
"Câu nói này giống với câu của..." – Khanh Stein ngỡ ngàng.
"Câu này trong truyện ngắn của Thu Hà." – Thức chép miệng.
Cả nhóm ra về trong nụ cười tiễn biệt hết sức trẻ trung của Lê Dương và Mộc Miên. Mai Hạnh lần dở những cuốn Quyên như một lời tạm biệt cuối cùng của hai kẻ không có duyên với nhau. Cậu bất chợt nói: "Chúng cháu sẽ gửi chú và chị Mộc Miên những cuốn tạp chí còn thiếu. Tụi cháu giữ nó thì chẳng có ý nghĩa gì."
"Quyên rất mừng được các bạn trẻ ủng hộ như thế." – Lê Dương cảm động nói, và nháy mắt riêng với Mai Hạnh – "Ta vẫn nâng niu bộ tạp chí Thế Giới Mới của cháu như một bảo vật".
Người đàn ông điên dại vẫn đang tiếp tục sự nghiệp gói trà shan tuyết vào trong những bông sen, và gói buộc một cách khó khăn. Cánh sen và trà vung vãi trên sân. Khi nghe tiếng chân người, ông rạp người vào mé tường và trừng trừng mắt nhìn lên khiến Thức lè lưỡi. Cho đến khi Hải Đường cúi xuống mỉm cười chào ông và đưa bàn tay thon thoăn thoắt luồn dây, bọc kín những bông hoa hồng nhạt.
Người đàn ông rụt rè đưa bông sen cho cô, kèm một nụ cười ngờ nghệch, thoáng chốc. Bông sen nguyên vẹn, không có trà ướp bên trong.
Tiến ra cổng ngó hai túi quà trên tay Khanh Stein, Hùng Panô gãi gãi trán: "Bây giờ ta làm gì tiếp theo?"
"Chẳng có cách nào khác." – Thức nhún vai – "Gửi email hẹn gặp rồi tặng nó cho bà Thu Hà thôi. Chấm dứt vụ này. Chúng ta cũng chẳng thua lỗ gì nhiều".
Nắng bây giờ mới thực sự dát vàng cả con đê đường nhựa. Chú chim yểng màu đen tuyền treo trước cổng chỉ chịu im ắng được một lúc. Rồi thấy người bước ra, như vớ được khán giả, nó gân cổ gào bằng được một câu mới, mà theo Thức khăng khăng khẳng định, là một trích dẫn của V.I. Lenin.
>> Xa hiên nhỏ (Tất cả các chương)
Nhận xét
Đăng nhận xét